Sau nhiều ngày chờ đợi, mong ước trở lại trường của em Mai Thị Thanh Huyền - học sinh lớp 9E, Trường THCS Đồng Lộc đã trở thành sự thực. Trở lại trường chậm hơn các bạn một nửa học kỳ, Thanh Huyền luôn được thầy cô giáo đồng hành, hỗ trợ.
Em Mai Thị Thanh Huyền - học sinh lớp 9E, Trường THCS Đồng Lộc (Can Lộc) được cô giáo giao bài tập, hỗ trợ kiến thức.
Huyền chia sẻ: “Những ngày này, các thầy cô giáo bộ môn tăng cường giao bài tập, tranh thủ thời gian để bổ sung kiến thức cho em. Sự quan tâm của thầy cô là động lực để em theo kịp chương trình”.
Được biết, Huyền “mắc kẹt” ở Vũng Tàu trong kỳ nghỉ hè, khi tranh thủ vào thăm bố mẹ. Em rất lo lắng, bởi đây là năm cuối cấp.
Giáo viên bộ môn thường xuyên quan tâm, hỏi bài, tương tác với em Huyền trong mỗi giờ học.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Yến - giáo viên chủ nhiệm lớp 9E cho biết: “Lớp chúng tôi có 2 em “mắc kẹt” ở vùng dịch đều đã trở về, nhưng mới chỉ có Huyền trở lại lớp học. Để hỗ trợ em, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn cũng thường xuyên quan tâm, hỏi bài, tương tác với em trong mỗi giờ học, dành thời gian kèm cặp riêng và sẵn sàng trợ giúp bất cứ lúc nào. Học sinh còn lại được giao bài bằng hình thức trực tuyến”.
Từ những kiến thức được thầy cô giáo hỗ trợ trong quá trình học trực tuyến, giao bài tập trên nhóm Zalo và sau 1 tuần “tăng tốc”, Huyền đang từng bước bắt nhịp với chương trình, củng cố kiến thức còn thiếu hụt.
Trở về trên chuyến xe nghĩa tình từ chủ trương của tỉnh, đến nay, Nguyễn Thị Bảo Uyên - học sinh lớp 6B cũng đã gần kết thúc những ngày cách ly và theo dõi sức khỏe để trở lại trường.
Uyên tâm sự: “Vài ngày tới, em sẽ được đến trường, môi trường mới, thầy cô giáo mới nhưng em không bỡ ngỡ. Bởi thời gian qua, từ những giờ học trực tuyến, những buổi trao đổi bài trên nhóm Zalo, em đã quen thuộc, đã ghi nhớ từng bài giảng, từng gương mặt thầy cô”.
Thầy Nguyễn Viết Truyền - chủ nhiệm lớp 6B tranh thủ những giờ trống để bổ sung kiến thức cho Bảo Uyên.
Được biết, hoàn cảnh của gia đình Bảo Uyên hết sức khó khăn. Bố mất sớm, mẹ phải vào tận Bình Dương làm thuê nuôi chị em Uyên ăn học. Trong đợt về quê lần này, mẹ cũng đã về cùng với Uyên. Đồng hành bên con trong học tập, khoảng thời gian này, chị Nguyễn Thị Hoa - mẹ Uyên cũng cảm nhận được sâu sắc tấm lòng, sự sẻ chia của các thầy cô giáo.
“Cháu thường xuyên nhận được sự động viên, hỗ trợ về tinh thần, kiến thức của các thầy cô. Nhiều lúc đêm khuya, chứng kiến 1 thầy, 1 trò vẫn miệt mài dạy học online, tôi cảm động lắm. Cùng với kiến thức, thầy cô cũng hỏi thăm hoàn cảnh của gia đình để có sự hỗ trợ, sẻ chia” - chị Hoa xúc động.
Với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, Nguyễn Thị Bảo Uyên - học sinh lớp 6B đang nỗ lực ôn tập kiến thức, chờ ngày trở lại trường (ảnh: nhân vật cung cấp).
Trường THCS Đồng Lộc có 14 học sinh bị “mắc kẹt” tại vùng dịch. Từ sự quan tâm của tỉnh, của chính quyền địa phương, hiện tất cả các em đã trở về quê hương và hơn 1 nửa trong số đó đã trở lại trường.
Thầy Trần Hảo - Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Lộc cho biết: “Những ngày trường trở lại dạy học trực tiếp, chúng tôi thực sự sốt ruột và thương các em đang bị “mắc kẹt” tại vùng dịch. Vì thế, đội ngũ thầy cô đã luôn quan tâm, thăm hỏi, hỗ trợ kiến thức trước, trong và sau khi các em trở lại trường. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng đã cân đối các nguồn để miễn giảm cho các em một số khoản đóng góp và hỗ trợ quần áo, sách vở khi các em có nhu cầu”.
Học sinh trở về từ vùng dịch đang từng bước vượt qua khó khăn để bổ sung, tiếp cận những kiến thức mới. Tấm lòng, sự trăn trở, tâm huyết của các thầy cô giáo đối những tháng ngày qua sẽ mãi là những kỷ niệm đáng nhớ, là bài học về sự chia sẻ và lan tỏa yêu thương đối với các em trong những năm tháng trên ghế nhà trường.
Can Lộc là một trong những địa bàn có số lượng học sinh trở về từ vùng dịch đông nhất tỉnh với tổng số hơn 200 em. Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, các trường học trên địa bàn đã linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ kiến thức, động viên tinh thần cho các em. Đến nay, tất cả học sinh “mắc kẹt” đã trở về quê, trong số đó nhiều em đã trở lại trường, ổn định nền nếp học tập.