Lớp học nghề được trang bị cơ sở vật chất học tập hiện đại tại Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh.
Nắm bắt cơ hội đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế
Tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, cựu học sinh Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) Dương Nhật Tân đạt 21 điểm khối A và đỗ vào Trường Đại học Giao thông vận tải. Tuy nhiên, thay vì đi học đại học, Tân chọn vào lớp Điện công nghiệp của Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh bởi em nhận ra nhu cầu nhân lực nghề này khá cao. Hơn nữa, đây là chương trình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế về ngành điện công nghiệp đầu tiên ở Hà Tĩnh, Tân muốn nắm bắt cơ hội đó.
Lớp học do CHLB Đức phối hợp với Tổng cục Dạy nghề Việt Nam thực hiện. Khóa học gồm 22 bộ chương trình chuyển giao từ CHLB Đức nhằm tổ chức đào tạo thí điểm cấp bằng cao đẳng của Đức dành cho 22 nghề trọng điểm cấp quốc tế. Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh là trường duy nhất ở khu vực Bắc Trung Bộ được chọn đào tạo chương trình này.
Dương Nhật Tân sinh viên K24A2, Lớp Điện công nghiệp, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh
Sau năm học đầu tiên, Dương Nhật Tân đạt kết quả trên 8.0. Cùng kết quả rèn luyện xuất sắc, Tân trở thành một trong những sinh viên được nhận học bổng của chương trình. Sau khi tốt nghiệp, Tân cùng 16 bạn sinh viên khác của lớp học sẽ có 2 bằng: cao đẳng ngành điện công nghiệp và bằng tiếng Đức đủ điều kiện đến làm việc tại nước bạn.
Tân chia sẻ: “Em mong muốn được làm việc trong ngành điện công nghiệp. Chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ mở ra cho em cơ hội việc làm ở nhiều nơi. Em tin là mình sẽ phát huy tốt kiến thức đã học”.
Học xong phổ thông đã có nghề cầm tay
Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em ở xã Thạch Thắng (Thạch Hà), sau khi học xong THCS, Lê Thị Hải đã chọn Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức để vừa theo học chương trình THPT, vừa học nghề.
Hải cho biết: “Việc lựa chọn chương trình vừa học văn hóa, vừa học nghề sẽ giúp chúng em rút ngắn thời gian để có thể sớm lập nghiệp. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức là cơ sở đào tạo có uy tín nhiều năm qua. Các thế hệ học sinh, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm nên chúng em tin tưởng mình cũng sẽ thành công”.
Lê Thị Hải học sinh lớp 12C, Hệ GDTX cấp THPT, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức
Lựa chọn nghề chăm sóc sắc đẹp - nghề khá “hot” trong thời điểm hiện nay, Hải ngày càng cảm thấy đam mê và dành nhiều thời gian tìm hiểu qua các kênh thông tin khác. “Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức, em sẽ xin vào làm nhân viên ở các trung tâm chăm sóc sắc đẹp, sau đó sẽ tự mình đứng ra mở cơ sở về dịch vụ này khi đủ điều kiện” - Hải chia sẻ thêm.
Có tay nghề vững để lập nghiệp tại quê nhà
Đỗ cả đại học lẫn cao đẳng nhưng Hồ Thanh Đẫm - cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà) lại lựa chọn theo học ngành Công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Công nghệ Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội.
Lựa chọn này đã để lại tiếc nuối cho nhiều thầy cô và bạn bè nhưng với Đẫm lại là con đường đầy hứa hẹn. Khoa Công nghệ ô tô có đầy đủ các môn học liên quan về ô tô như: linh kiện, lắp ráp, sửa chữa… nhưng Hồ Thanh Đẫm chọn nghề sửa chữa.
Hồ Thanh Đẫm sinh viên năm thứ nhất, Khoa Công nghệ Ô tô - Trường Cao đẳng Công nghệ Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội.
Hồ Thanh Đẫm bày tỏ: “Sử dụng ô tô làm phương tiện di chuyển đang là xu hướng phổ biến ở Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng. Trường Trường Cao đẳng Công nghệ Kỹ thuật Bách khoa Hà Nội cũng có sự liên kết với nhiều công ty chuyên về sản xuất, lắp ráp linh kiện ô tô trong nước, chính vì thế, cơ hội được thực hành rất nhiều. Đó cũng là cơ sở để sau này tốt nghiệp, em sẽ có tay nghề vững và có thể mở xưởng sữa chữa, bảo dưỡng ô tô tại quê nhà, trở thành ông chủ của chính mình”.
Lựa chọn của mình là đúng
Ở Trung Lộc (Can Lộc) hiện nay, câu chuyện về anh Đặng Văn Thái vẫn được kể trong các trường học, trong các gia đình như một điển hình về việc từ bỏ giấc mơ đại học và thành công với việc học nghề. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Thái đã chọn khoa Cơ khí - Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh để theo học.
Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề, anh Thái được nhận làm công nhân quốc phòng tại đơn vị Hải đoàn 433, Công ty 128 Hải quân (Hải Phòng). Sau 3 năm phục vụ trong quân đội, anh trở về quê hương, bắt đầu lập nghiệp bằng cơ sở chuyên sản xuất, lắp ráp các sản phẩm cơ khí - nhôm kính.
Anh Đặng Văn Thái chủ Cơ sở sản xuất sản phẩm nhôm kính Quốc Thái (xã Trung Lộc, Can Lộc).
Đến nay, sau gần 7 năm cơ sở sản xuất sản phẩm nhôm kính Quốc Thái do anh làm chủ đã có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Bên cạnh đó, cơ sở của anh Thái cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động trên địa bàn với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Nói về thành công của mình, anh Thái cho hay: “Lựa chọn học nghề của tôi xuất phát từ mong muốn được lập nghiệp và cống hiến trên quê hương. Đến thời điểm này, tôi thấy lựa chọn của mình là đúng. Hiện nay, khi thực hiện nhiệm vụ của một Bí thư Đoàn xã, tôi cũng luôn định hướng cho thanh niên địa phương về cách chọn ngành học để có nhiều cơ hội thành công trong cuộc sống”.