Sau khi được đào tạo nghề sửa chữa xe máy, anh Trần Văn Hải tự mình kiếm sống bằng nghề đã học.
Anh Trần Văn Hải (SN 1991), ở xã Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà) bị khuyết tật vận động. Vốn yêu thích nghề sửa chữa xe máy, anh được Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh tuyển sinh học khóa đào tạo nghề sửa chữa xe máy miễn phí.
Sau hoàn thành khóa học, anh Hải xin vào làm việc tại một cửa hàng sửa chữa xe máy ở TP Hà Tĩnh. Làm việc được hơn 1 năm, tích góp được một ít vốn anh quyết định mở riêng cho mình một cửa hàng sửa chữa xe máy nhỏ ở quê để tự trang trải cuộc sống.
Anh Hải chia sẻ: “Nhờ có thu nhập từ nghề sửa chữa xe máy mà tôi có thể trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con nhỏ”.
Cửa hàng sửa chữa xe máy của anh Hải
Cũng bị khuyết tật hệ vận động, anh Nguyễn Hữu Quốc (SN 1986), ở thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn) tham gia lớp đào tạo nghề tin học văn phòng tại Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh.
Anh Quốc cho biết: “Học nghề ở trung tâm, các thầy cô luôn tận tình dạy nghề và dạy kỹ năng sống cho chúng tôi. Sau khi học xong tôi đã tự mở cửa hàng photocopy, in ấn, vừa có thu nhập trang trải cuộc sống vừa có tiền phụ giúp bố mẹ. Có nghề nghiệp tôi luôn tự tin và có động lực phấn đấu”.
Chị Bùi Thị Chinh đang làm việc tại Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh với mức lương ổn định.
Còn chị Bùi Thị Chinh (SN 1980) ở xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ) bị khiếm thính. Chị Chinh vừa được Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh tuyển dụng vào làm việc sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề cắt may dân dụng và công nghiệp dành cho người khuyết tật.
Chị Chinh phấn khởi cho biết: “Tôi làm việc tại công ty từ tháng 7/2022. Tháng đầu thử việc tôi nhận được tiền lương gần 4 triệu đồng. Hết thời gian thử việc, mỗi tháng tôi sẽ có thu nhập khoảng từ 6 triệu đồng trở lên. Tôi sẽ cố gắng làm việc thật tốt, tự kiếm tiền để có thể làm chủ cuộc sống của bản thân”.
Không chỉ anh Hải, anh Quốc và chị Chinh mà nhiều học viên khuyết tật khác đã được Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, tạo cơ hội phát triển bản thân và hòa nhập với cộng đồng. Cũng chính từ đây, ước mơ của những người kém may mắn đã trở thành hiện thực.
Giờ thực hành của lớp học nghề may dân dụng và công nghiệp ở Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh.
Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh hiện đang dạy nghề cho 87 học viên với 4 lớp nghề: cắt may dân dụng và công nghiệp, sửa chữa điện dân dụng, mây tre đan và tin học văn phòng, phù hợp với dạng tật, mức độ khuyết tật, làm việc tĩnh tại, ít phải di chuyển.
Ông Thái Ngọc Lâm - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh cho biết: “Bên cạnh đào tạo nghề, trung tâm tập trung kết nối các đơn vị, doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã giới thiệu 14 học viên người khuyết tật vào các đơn vị, doanh nghiệp làm việc, trong đó ký kết phối hợp với Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh tuyển dụng 10 người khuyết tật vào làm việc với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng”.
Hiện Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh đang dạy nghề cho 87 học viên
Để tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho người khuyết tật, ông Thái Ngọc Lâm cho biết: “Trung tâm sẽ tập trung tuyên truyền rộng rãi các chương trình dạy nghề, học nghề, việc làm để người khuyết tật có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận các chính sách; đổi mới chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp với người khuyết tật; tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu người khuyết tật vào làm việc”.