Chậm báo cáo lên cơ quan chuyên môn, tự ý mua thuốc điều trị... đã khiến con bò của gia đình chị Giang (xã Xuân Lộc, Can Lộc) bị chết.
Ngày 28/2, con bò của gia đình chị Lê Thị Giang (xã Xuân Lộc, Can Lộc) xuất hiện triệu chứng ốm, bỏ ăn và sốt. Thay vì báo cho cán bộ thú y và cơ quan chức năng thì chị đã thuê người về tiêm và mua thuốc nam từ thầy lang trong huyện để về điều trị.
“Đến ngày 6/3, các triệu chứng vẫn không thuyên giảm thì tôi mới hỏi thông tin ở cán bộ thú y xã và được xác định là nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Do bò của gia đình bị kiệt sức trong thời gian dài nên đã chết và phải đem đi tiêu huỷ vào ngày 8/3 vừa qua” - chị Giang cho biết.
Nhiều hộ dân đã chủ động rắc vôi bột khử trùng để phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục.
Ông Đoàn Minh Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc cho biết: Trên địa bàn huyện còn tình trạng một số hộ dân chậm báo cáo thông tin trâu, bò bị ốm, có dấu hiệu nhiễm bệnh; không thực hiện theo hướng dẫn từ cơ quan thú y mà tự ý chữa trị cho gia súc nên dịch bệnh tiếp tục xâm nhiễm rộng tại địa phương, gây khó khăn cho quá trình chữa trị của chuyên môn.
Trước tình trạng này, Can Lộc đã tuyên truyền liên tục trên sóng phát thanh để người dân hiểu rõ các biện pháp điều trị cơ bản; làm việc với một số thầy lang trên địa bàn để ký cam kết không buôn bán, cắt thuốc cho gia súc khi không có đủ thông tin về dịch bệnh, ảnh hưởng đến quá trình xử lý, phòng chống dịch”.
Chính quyền cấp huyện, cấp xã tại Can Lộc đã làm việc với thầy lang trên địa bàn, cam kết không cắt thuốc chữa trị cho gia súc khi tình hình dịch bệnh đang phức tạp.
“Can Lộc cũng đã thực hiện nhanh chóng việc tiêm phòng vắc-xin theo tiến độ. Đến nay, toàn huyện đã tiêm được hơn 9.300 liều vắc-xin và đăng ký nhập thêm 4.000 liều nữa để bao vây, khống chế dịch, tránh gây hoang mang cho người chăn nuôi” - ông Lương thông tin thêm
Hiện nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp với quy mô rộng tại huyện Cẩm Xuyên. Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên, địa bàn đã có 19 xã, thị trấn xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò với hơn 650 con bị nhiễm bệnh, trong đó, có 64 con chết, buộc phải tiêu hủy.
Rất khó khăn để kiểm soát trâu, bò khi tập quán chăn nuôi của người dân chủ yếu vẫn là chăn thả trâu, bò tự nhiên theo bầy đàn.
Ông Phan Xuân Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Cẩm Xuyên cho biết: “Trên địa bàn cũng có hiện tượng người dân tự mua thuốc thú y không có hướng dẫn hoặc theo thông tin từ người khác “mách nước” tìm đến thầy lang ở các vùng như huyện Thạch Hà, Can Lộc... chữa trị. Hơn nữa, do thức ăn dự trữ hạn chế, người dân đang tranh thủ thời tiết nắng ấm, cỏ xanh tốt để chăn thả trâu, bò ra ngoài các bãi tập trung khiến cho dịch bệnh khó kiểm soát hơn”.
Để tập trung khống chế dịch bệnh, huyện đang chú trọng hơn nữa vào công tác tuyên truyền cụ thể cho người chăn nuôi; thực hiện đồng thời công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi và phun hóa chất tiêu diệt các vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,…). Đồng thời, huy động tối đa lực lượng cán bộ, người có chứng chỉ hành nghề thú y tham gia hoạt động tiêm phòng; hướng dẫn người dân chăm sóc, chữa trị và theo dõi giám sát dịch bệnh tại cơ sở.
Người dân cần chú trọng chăm sóc sức khoẻ cho đàn bò, hạn chế chăn thả tập trung... để phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn này.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay, Việt Nam chưa có phác đồ điều trị cụ thể cho loại bệnh này nên khi trâu, bò bị nhiễm bệnh, người dân cần chăm sóc tốt, bổ sung chế độ ăn nhiều chất dinh dưỡng và có thể sử dụng thêm danh mục thuốc được phép sử dụng trong thú y để kháng viêm, hạ sốt, điều trị ngăn ngừa nhiễm trùng kế phát… theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.
Ông Trần Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, tỉnh đã nhập về hơn 45.000 liều vắc-xin, tổ chức tiêm cuốn chiếu theo kế hoạch. Chi cục đang làm thủ tục với đơn vị cung ứng để nhập tiếp số lượng vắc-xin các huyện đăng ký thêm một cách sớm nhất.
Các địa phương thường xuyên tổ chức phun tiêu độc khử trùng, diệt ruồi, muỗi, ve, mòng... nhất là trong thời điểm giao mùa như hiện nay.
“Tuy nhiên, qua quá trình theo dõi, công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: việc giám sát dịch bệnh thiếu chặt chẽ, phát hiện, báo cáo dịch chậm; một số địa phương chưa cách ly, quản lý, chăm sóc chữa trị gia súc mắc bệnh đảm bảo, tiến độ tiêm phòng bao vây ổ dịch chậm; quá trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân chưa đạt yêu cầu” - ông Trần Hùng cho hay.
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, người chăn nuôi trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp như hiện nay phải cách ly những trâu bò bị nhiễm bệnh, chăm sóc tốt để tăng sức đề kháng và khả năng phục hồi; giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan thú y, không giấu dịch; sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng thứ phát trên gia súc cần theo chỉ dẫn của cán bộ thú y có chuyên môn.
Đến nay, tổng số gia súc mắc bệnh chưa qua 21 ngày trên địa bàn tỉnh là 2.687 con/108 xã thuộc 9 huyện, thị, thành phố gồm: Hương Khê, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh, Nghi Xuân, TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh. Đến thời điểm này, đã có 166 con bò và bê bị chết, buộc phải tiêu hủy với khối lượng hơn 19,8 tấn. Toàn tỉnh cũng đã hoàn thành tiêm phòng được gần 41.000 liều vắc-xin phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. |