Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của ngành chuyên môn, mặc dù thời gian qua các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, nhưng dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương.
Ngoài những nguyên nhân khách quan thì công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở đang còn nhiều tồn tại, hạn chế như: công tác giám sát dịch bệnh thiếu chặt chẽ, phát hiện, báo cáo dịch chậm, một số địa phương chưa cách ly, quản lý, chăm sóc chữa trị gia súc mắc bệnh đảm bảo, tiến độ tiêm phòng bao vây ổ dịch chậm, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân chưa đạt yêu cầu.
Để kiểm soát, khống chế, kịp thời dập tắt các ổ dịch, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành chức năng triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò theo nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT; Công điện số 212-CĐ/TU ngày 02/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Công điện, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó, khẩn trương tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế và thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, ngành chức năng và chính quyền các địa phương:
- Giám sát chặt chẽ trâu bò bị bệnh tại chuồng nuôi, không để tình trạng chăn thả chung tại các bãi chăn khi trâu bò chưa khỏi triệu chứng lâm sàng; cập nhật đầy đủ tình hình, công tác phòng, chống dịch bệnh hàng ngày gửi Sở NN&PTNT (trước 16h30) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Các địa phương cần phát động đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn.
- Khẩn trương rà soát, thống kê tổng đàn trâu bò tại địa phương, tổ chức tiêm phòng vắc-xin bao vây chống dịch kịp thời đảm bảo chất lượng.
- Phát động đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn, thực hiện đồng thời công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi và phun hóa chất tiêu diệt các vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,…) để đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.
- Huy động tối đa lực lượng cán bộ, người hành nghề thú y tham gia hoạt động tiêm phòng, hướng dẫn chăm sóc, chữa trị và theo dõi giám sát dịch bệnh tại cơ sở.
- Bố trí kinh phí và các nguồn lực đảm bảo để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin bao vây chống dịch.
Tiếp tục thực hiện tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây chống dịch kịp thời đảm bảo chất lượng.
2. Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
- Chủ động nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến dịch bệnh, phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, kịp thời tham mưu, bổ cứu, chấn chỉnh tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.
- Tổ chức hướng dẫn các nội dung chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh; tiêm vắc-xin phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ vật tư, dụng cụ, hóa chất, để ứng phó với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.