Hà Tĩnh đổi mới phương thức truyền thông dân số trong tình hình dịch bệnh

(Baohatinh.vn) - Khắc phục khó khăn trong thời điểm dịch bệnh, cán bộ làm công tác dân số ở Hà Tĩnh đã có những thay đổi trong phương thức tuyên truyền để phù hợp với tình hình mới .

Không còn giao ban trực tiếp để triển khai nhiệm vụ hoặc tổ chức các buổi tuyên truyền như trước, chị Nguyễn Thị Hương - cán bộ phụ trách công tác dân số xã Thiên Lộc (Can Lộc) đã lập nhóm zalo để trao đổi thông tin đến các cộng tác viên. Theo đó, công việc vừa trở nên đơn giản hơn, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch và vẫn đạt hiệu quả như mong muốn.

Chị Hương nắm bắt thông tin từ cơ sở qua nhóm zalo.

“Bây giờ hầu hết chị em cán bộ phụ nữ đều dùng điện thoại thông minh nên chúng tôi lập nhóm zalo để tiện trao đổi, phổ biến thông tin. Thông qua nhóm zalo, tôi dễ dàng nắm bắt thông tin từ các cộng tác viên dân số dưới cơ sở. Qua nhóm này, tôi cũng tuyên truyền cho chị em về các chủ trương, chính sách mới” - chị Hương cho biết.

Để hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người, chị Hương còn tăng cường phổ biến kiến thức về dân số - KHHGĐ qua loa truyền thanh của xã. Những nội dung này cũng được đông đảo hội viên tiếp nhận.

Hiệu quả của mạng xã hội được các cán bộ, cộng tác viên dân số phát huy tối đa trong tuyên truyền.

Chị Võ Thị Mến ở thôn Yên Bình, xã Thiên Lộc (Can Lộc) cho biết: “Mặc dù tình hình dịch bệnh đã hạn chế công tác tuyên truyền của các cộng tác viên dân số nhưng thông qua sự linh hoạt, sáng tạo, chịu khó của cộng tác viên, chúng tôi vẫn được tiếp cận với những thông tin cần thiết. Ngoài sự trao đổi thường xuyên trên các nhóm zalo, chúng tôi còn có thêm kiến thức qua hệ thống loa truyền thanh của xã. Nhờ đó, các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đều được chúng tôi cập nhật thường xuyên”.

Vừa đảm nhận vai trò bí thư, thôn trưởng kiêm cộng tác viên dân số thôn Hoa Tiến (xã Kỳ Hoa - thị xã Kỳ Anh), bà Đào Thị Huệ luôn tất bật với công việc ở cơ sở. Thời điểm dịch bệnh như hiện nay, việc tuyên truyền ý thức phòng dịch cho người dân được đặt lên hàng đầu. Truyền thông dân số - KHHGĐ cũng được bà Huệ linh hoạt lồng ghép trong những buổi tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh tuyên truyền trực tiếp theo từng gia đình, từng nhóm nhỏ, bà Huệ còn tăng cường truyền thông qua loa phát thanh.

Ngoài hình thức lồng ghép, hoạt động truyền thông, tư vấn cho người dân về công tác DS-KHHGĐ còn được các cộng tác viên dân số như bà Huệ chuyển sang hình thức tư vấn nhóm nhỏ, đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân.

Phương pháp tuyên truyền này được cộng tác viên dân số chú trọng vào từng đối tượng đặc thù như: phụ nữ sinh con một bề; trẻ em gái vị thành niên, thanh niên; phụ nữ, trẻ em gái vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... Từ đó, người dân ngày càng ý thức hơn lợi ích của tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân, tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh; tác hại của phá thai, lựa chọn thực hiện các biện pháp KHHGĐ.

Trang web của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, phục vụ người dân.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, hiện nay, 216 xã, phường; 13 huyện, thị, thành đều thành lập nhóm zalo để trao đổi công việc; tỷ lệ cán bộ, cộng tác viên dân số thao tác, xử lý công việc qua mạng xã hội khá cao.

Bên cạnh phát huy vai trò của các cán bộ, cộng tác viên dân số ở cơ sở, việc phủ sóng các trang điều hành tác nghiệp, website, fanpage của các phòng truyền thông dân số thuộc trung tâm y tế ở 13 huyện, thành, thị được xem là giải pháp lan tỏa thông tin chính xác, hiệu quả đến người dân. Thông qua các trang này, người dân sẽ tiếp cận một cách đúng đắn, đầy đủ các chủ trương, chính sách mới về dân số và phát triển.

Ngành Dân số Hà Tĩnh nỗ lực duy trì thường xuyên hoạt động dân số - KHHGĐ, hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với việc người dân tiếp cận các dịch vụ liên quan. (Trong ảnh: Cán bộ dân số xã Tùng Lộc - Can Lộc tư vấn sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ tại địa phương).

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Bùi Quốc Hùng cho biết: “Trong điều kiện dịch bệnh, dù khó khăn nhưng hoạt động dân số ở cơ sở vẫn phải được duy trì thường xuyên, liên tục; hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ của người dân.

Muốn thực hiện được mục tiêu đó, cần phải đổi mới hình thức hoạt động, tăng cường công tác truyền thông, kịp thời cung ứng đủ các thiết bị phương tiện tránh thai để triển khai chiến dịch dân số từ nay đến cuối năm và tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình đã đề ra”.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói