Người dân xã Tùng Lộc (Can Lộc) được tư vấn các dịch vụ KHHGĐ tại Trạm Y tế xã.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của ngành dân số, đặc biệt, sự chậm trễ của chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ gây khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu giảm sinh và nhu cầu chăm sóc SKSS của phụ nữ. Trước tình hình đó, Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ, tư vấn chăm sóc sức khỏe tại chỗ cho người dân.
Theo đó, việc đáp ứng nhu cầu dịch vụ KHHGĐ, khám, tư vấn… được các y, bác sỹ, nữ hộ sinh tại các trạm y tế xã, phường hoặc tại khoa sản các trung tâm y tế huyện, thành, thị thực hiện một cách thường xuyên. Để thông tin cho người dân về hoạt động của chương trình, đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số ở các thôn, tổ dân phố cũng đã linh động trong cách tuyên truyền, vận động.
Cộng tác viên dân số (người ngoài cùng bên trái) và viên chức dân số trạm y tế ở Can Lộc tăng cường hoạt động tư vấn đến tận từng gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thúy - CTV dân số thôn Tây Quang Trung, xã Tùng Lộc (Can Lộc) cho biết: “Rất khó để duy trì công tác tuyên truyền trong mùa dịch, thế nhưng, đây là nhiệm vụ quan trọng nên tôi đã linh động trong cách làm. Thay vì tuyên truyền rộng rãi, tôi đã rà soát số lượng người trong độ tuổi sinh đẻ, tuyên truyền tận từng người. Mỗi tuần, tôi vận động từ 2 - 3 người đi khám, nghe tư vấn, qua đó giúp chị em tự tin lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp”.
Sự tích cực của tuyên truyền viên, sự linh động về thời gian của cán bộ y tế cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được chăm sóc SKSS khi cần. Chị Đặng Thị An ở thôn Bình Tiến, xã Tùng Lộc cho biết: “Dịch bệnh nên ngành dân số không thể thực hiện chiến dịch chăm sóc SKSS/ KHHGĐ nhưng mô hình dịch vụ tại chỗ khiến tôi thấy rất yên tâm. Mô hình tiện lợi này vừa đảm bảo an toàn phòng dịch lại vừa chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ bất kỳ lúc nào”.
Mô hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại chỗ giúp tăng số lượng người dân được tiếp cận dịch vụ.
Đến thời điểm hiện tại, mô hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại chỗ đã được thực hiện đồng loạt, thường xuyên tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn và trung tâm y tế 13 huyện, thành, thị. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có hàng chục nghìn người được tiếp cận dịch vụ này, trong đó có 27.102 người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.
Bác sỹ Trần Thị Xoan - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi vẫn luôn duy trì thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn, trong đó có hoạt động tư vấn, chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Trung bình mỗi tuần, trạm đón tiếp từ 8-10 người đến để được nghe tư vấn, hướng dẫn phương pháp chăm sóc SKSS, thực hiện các biện pháp tránh thai. Từ đầu năm đến nay, trạm cũng đã thực hiện đặt vòng cho 33 ca”.
Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ sinh trên 2 con ở Hà Tĩnh là 34%, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Nguyên nhân phần lớn là tình trạng gián đoạn các dịch vụ chăm sóc SKSS cũng như khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai trong một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì thế, việc duy trì thường xuyên dịch vụ tại chỗ được xem là một trong những giải pháp thiết thực, hợp lý của ngành dân số.
Ông Bùi Quốc Hùng - Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ Hà Tĩnh