Các thành viên đoàn liên ngành của huyện Can Lộc kiểm tra việc buôn bán thịt lợn tại chợ dân sinh ở vùng xuất hiện ổ dịch.
Tại ổ dịch ở thôn Thượng Lội (xã Quang Lộc, Can Lộc), 3 chốt kiểm dịch ở các cửa ngõ vào ra đã được lập. Xã cũng đã thực hiện rải vô bột, phun tiêu độc khử trùng toàn thôn, đồng thời quản lý chặt chẽ việc vận chuyển buôn bán, giết mổ gia súc địa bàn.
Ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Ngay sau khi phát hiện DTLCP tái nhiễm trên địa bàn, xã Quang Lộc đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp bách phòng chống dịch, chủ động lấy thêm một số mẫu lợn khác để gửi đi xét nghiệm. UBND huyện cũng đã kiện toàn Ban chỉ đạo, lập đoàn liên ngành xuống trực tiếp kiểm tra quá trình phòng chống dịch tại cơ sở”.
Chốt kiểm dịch ở xã Mỹ Lộc đã được dựng lên ở các trục giao thông giáp với ổ dịch.
Đặc biệt, huyện Can Lộc đã chỉ đạo các xã, thị trấn như: Xuân Lộc, Mỹ Lộc, Đồng Lộc… rải vôi bột, thành lập các chốt kiểm dịch ở những trục đường giao thông chính, tránh dịch xâm nhiễm, lây lan ra diện rộng.
Đối với huyện Thạch Hà - khu vực giáp ranh với ổ dịch, công tác phòng chống, ngăn ngừa với DTLCP cũng đang được chủ động triển khai. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà Lê Văn Thuận chia sẻ: “Địa phương là huyện có tổng đàn lợn lớn trên toàn tỉnh với hơn 35.860 con. Vì thế, khi huyện Can Lộc xuất hiện ổ dịch mới, Thạch Hà đã thành lập lại đoàn liên ngành, sẽ bố trí kiểm tra công tác phòng dịch tại các xã, cơ sở giết mổ gia súc tập trung, trang trại chăn nuôi lớn. Ngoài ra, thực hiện cấp phát thuốc, tiến hành phun tiêu độc khử trùng; chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền nhằm để người chăn nuôi chủ động bảo vệ đàn lợn, nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý khi dịch xuất hiện lại trên địa bàn”.
Công tác phun tiêu độc, khử trùng môi trường, đặc biệt là ở các điểm có nguy cơ lây nhiễm cao đang được các địa phương tích cực triển khai.
Tại huyện Cẩm Xuyên, việc phun tiêu độc khử trùng khu chăn nuôi, lò mổ, điểm kinh doanh, buôn bán gia súc, gia cầm cũng nhanh chóng được triển khai.
Ông Lê Quang Sáng - Chủ lò mổ tại thị trấn Cẩm Xuyên cho biết: “Chúng tôi đã nhận hoá chất từ Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện, tiến hành phun khử trùng vào sáng ngày 5/10 và sẽ tiếp tục được thực hiện thường xuyên trong thời gian tới để đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh”.
Huyện Cẩm Xuyên cấp phát hoá chất về cơ sở để phun tiêu độc, khử trùng môi trường.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên Phan Xuân Nam chia sẻ: “Địa phương đang tập trung cao cho công tác phòng ngừa tại chỗ, trong đó trọng tâm là hoàn thành tiêm phòng đợt 2 năm 2020, chuẩn bị sẵn trên 800 lít hóa chất để cấp phát về 23 xã, thị trấn… Cùng với đó, huyện sẽ lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn”.
Nguy cơ DTLCP có khả năng lan ra diện rộng là rất cao, bởi thời tiết chuyển mùa diễn biến thất thường.
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Thời điểm này, nguy cơ DTLCP lây lan ra diện rộng là rất cao, bởi thời tiết chuyển mùa diễn biến thất thường, bệnh này vẫn chưa có vắc - xin và thuốc đặc hiệu, virus còn tồn tại trong môi trường chăn nuôi. Sau thời gian dịch bệnh tại tỉnh được khống chế, quá trình tái đàn đang được người dân thực hiện với quy mô lớn hơn nên nếu dịch bùng phát sẽ khó kiểm soát, xử lý.
Ngay sau khi DTLCP đã tái nhiễm trên địa bàn huyện Can Lộc, chúng tôi đã yêu cầu tất cả các địa phương trên toàn tỉnh khẩn trương vào cuộc, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh trong phạm vi hẹp; đồng thời vừa phòng dịch vừa huy động lực lượng hoàn thành tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2020 với tỷ lệ cao nhất”.
Tiêm phòng là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
“Các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đây là được xem giải pháp phòng bệnh hiệu quả và quan trọng nhất. Đồng thời, thường xuyên tổ chức vệ sinh, tiêu độc tại cơ sở chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất. Người nuôi theo dõi tình hình, chủ động thực hiện các biện pháp phòng và ứng phó trong các tình huống, đặc biệt, không mua con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiêm vắc - xin đầy đủ, đảm bảo nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng. Khi phát hiện lợn ốm, chết bất thường phải báo ngay chính quyền địa phương” - ông Hùng cho biết thêm.