Mất cân bằng giới tính từ quan niệm của người dân
Gần 40 tuổi, chị Nguyễn Thị Huệ ở thôn 6, xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) đã có 4 con gái. Cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc vào những chuyến đi biển của chồng và chiếc máy may của vợ, nhưng mơ ước có thêm con, đặc biệt là con trai nối dõi tông đường vẫn luôn hiện hữu trong suy nghĩ của chị.
Chị Huệ chia sẻ: “Biết đông con là vất vả nhưng tôi vẫn muốn sinh thêm với hy vọng có con trai để có người nối dõi tông đường”.
Trong quan niệm của một số người dân vùng biển, việc sinh con trai là để có thêm nguồn nhân lực đi biển (ảnh chụp tại một gia đình ở xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh).
Với chị Hoàng Thị Thao ở thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) dù đã có 3 con nhưng chị vẫn nuôi ý định tiếp tục sinh để có thêm nguồn nhân lực lao động và nhờ cậy lúc về già.
Chị Thao cho biết: “Sinh ra và lớn lên ở làng biển nên với chúng tôi, lao động đi biển luôn là yếu tố quyết định kinh tế gia đình, chính vì thế, dù đã có 3 con nhưng tôi vẫn muốn sinh thêm con trai để có thêm nguồn lao động. Hiện tại, chồng còn đi xuất khẩu lao động nên chúng tôi vẫn chưa xác định thời gian sinh con tiếp theo”.
Với quan niệm coi trọng nam hơn nữ, chỉ có con trai mới được coi là lao động chính trong gia đình, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường…, nhiều gia đình ở Hà Tĩnh luôn mong muốn sinh cho được con trai. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền vận động về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được huyện Đức Thọ lồng ghép trong các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản
Theo quy luật tự nhiên, tỷ lệ giới tính khi sinh cân bằng là 100 bé gái/103 hoặc 105 bé trai. Thế nhưng, hiện tại, Hà Tĩnh vẫn đang là một trong những tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao với mức 111,58 bé trai/100 bé gái . Đặc biệt, một số địa phương có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao như: Nghi Xuân 116,94 bé trai/100 bé gái; Cẩm Xuyên 115,59 bé trai/100 bé gái; huyện Kỳ Anh 114,16 bé trai/100 bé gái.
Nỗ lực thu hẹp khoảng cách chênh lệch giới tính
“Để góp phần giảm thiểu tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, ngành dân số Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua tờ rơi, pano, áp phích.
Đặc biệt là việc phát huy vai trò, tầm quan trọng của mạng lưới cộng tác viên dân số trong thực hiện phương châm đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng...”, Trưởng phòng Truyền thông Chi cục DS/KHHGĐ Hà Tĩnh Nguyễn Trung Kiên cho biết .
Tuyên truyền chính sách dân số đến từng người dân là việc làm thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên dân số ở Hà Tĩnh.
Việc tuyên truyền góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hà Tĩnh còn được thực hiện qua các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm các gia đình sinh 2 con một bề là gái làm kinh tế giỏi, biểu dương trẻ em gái. Theo số liệu từ Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh, trung bình mỗi năm, đơn vị chi cho hoạt động này hàng trăm triệu đồng, riêng năm 2020 gần 290 triệu đồng.
Cùng chung tay trong công tác dân số, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ cũng đã thành lập và duy trì hoạt động của hàng trăm câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới, không sinh con thứ 3 trên địa bàn các thôn xóm. Việc duy trì hiệu quả nền nếp sinh hoạt các câu lạc bộ đã tạo cơ hội cho chị em hội viên chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, không sinh con thứ 3, góp phần hạn chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.
Việc duy trì sinh hoạt câu lạc bộ không sinh con thứ 3 ở thôn Phúc Tuy, xã Xuân Viên (Nghi Xuân) đã góp phần tạo cơ hội cho chị em trao đổi kinh nghiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Chị Phan Thị Lan ở thôn Phúc Tuy, xã Xuân Viên (Nghi Xuân) cho biết: “Tham gia sinh hoạt câu lạc bộ không sinh con thứ 3 đã giúp tôi hiểu thêm nhiều kiến thức để chăm sóc cho gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Tôi cũng quyết tâm dừng lại 2 con để nuôi dạy cho tốt”.
Thực hiện mục tiêu phấn đấu về mức cân bằng tự nhiên (100 bé gái/103 hoặc 105 bé trai) với Hà Tĩnh là một chặng đường dài đầy khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, để chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, cùng với nỗ lực triển khai các đề án nâng cao chất lượng dân số, Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để làm chuyển biến suy nghĩ, hành động của người dân.