Các đơn vị phải thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản khi hết hạn giấy phép khai thác, đồng thời phải trồng cây, hoàn thổ phục hồi môi trường.
Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN&MT Nguyễn Văn Thành cho hay: Để phục hồi, giảm thiểu tác động xấu của việc khai thác khoáng sản đối với môi trường, thời gian qua, đơn vị đã yêu cầu, đôn đốc các đơn vị khai thác thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường đối với các mỏ đã hết hạn.
Gần đây nhất là việc đóng cửa 3 mỏ đá xây dựng ở huyện Kỳ Anh gồm: khe Trọt Môn, xã Kỳ Bắc; núi Voi, xã Kỳ Phong; khe Cánh Sạt, xã Kỳ Tân và 1 mỏ đất san lấp tại núi Động Hàn, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã kiểm tra, thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 11 đề án đóng cửa mỏ tại các khu vực mỏ đã hết hạn giấy phép khai thác.
Trong đó, huyện Kỳ Anh 3 mỏ đá xây dựng, Thạch Hà 3 mỏ (1 mỏ sét, 2 mỏ đất), Nghi Xuân 2 mỏ đá xây dựng, Hương Sơn 1 mỏ cát, Vũ Quang 1 mỏ cát và Lộc Hà 1 mỏ đất.
Sở TN&MT Hà Tĩnh tăng cường công tác giám sát với hoạt động khai thác khoáng sản.
“Việc đóng cửa mỏ khoáng sản là để quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và giao đất thu hồi cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác”, Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN&MT Nguyễn Văn Thành thông tin.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát, mặc dù đã thường xuyên đôn đốc nhưng hiện nay, một số đơn vị hoạt động khoáng sản đã giải thể, phá sản hoặc chưa thực hiện, chưa hoàn thành ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường dẫn đến khó khăn trong thực hiện đóng cửa mỏ.