Video: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn trao đổi về phương án bảo vệ an toàn hồ đập, các hộ dân ở vùng hạ lưu.
Xây dựng từ năm 1980, đập Tri Báo (thôn 3, xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn) được đắp bằng đất, có dung tích 250.000 m3 phục vụ tưới tiêu cho 30 ha đất sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho các thôn 2, 3 và 4 của xã Sơn Lĩnh. Trải qua thời gian và chịu ảnh hưởng của các đợt mưa bão, đập Tri Báo đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Đập Tri Báo, thôn 3, xã Sơn Lĩnh đã đầy nước và tự chảy tràn.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Lĩnh Nguyễn Minh Tuấn cho hay: Cách đây 2 năm, phần thân đập có vết nứt dài, nước chảy theo ra phía ngoài đập. Địa phương sau đó đã lấy đất đá bịt vết nứt lại nhưng vẫn chưa thể đảm bảo an toàn.
Vừa qua, trên địa bàn Hương Sơn có mưa lớn kéo dài, đập Tri Báo đã đầy nước. Tuy nhiên, hệ thống vận hành cũng xuống cấp, hư hỏng và gần như không thể sử dụng được. Hiện, nước trong đập đã tự chảy tràn ra ngoài.
“Trước dự báo sẽ có các đợt mưa rất to do ảnh hưởng của bão số 8 và không khí lạnh, địa phương đang rất lo lắng bởi ngay sát chân đập có 30 hộ với gần 100 nhân khẩu sinh sống. Trường hợp có mưa lớn kéo dài thì nguy cơ mất an toàn cao” - ông Nguyễn Minh Tuấn thông tin.
Do xây dựng từ lâu, lại chỉnh ảnh hưởng của mưa bão, thân đập bằng đất đã xuất hiện vết nứt.
Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, xã cử người túc trực, kiểm tra đập Tri Báo trong thời điểm có mưa lớn. Xã cũng cảnh báo sớm nguy cơ và sẵn sàng phương án sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn.
Toàn huyện Hương Sơn có 94 hồ đập lớn nhỏ, trong số này, địa phương quản lý vận hành 84 hồ đập, số còn lại do công ty thủy lợi phụ trách. Theo đánh giá của địa phương, hiện có 15 hồ đập đã xuống cấp, hư hỏng, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, như hồ Tràng Riềng (xã Quang Diệm), hồ Kim Thành (xã Sơn Tây), đập Khe Điếc (xã Sơn Châu), đập Háp (xã Sơn Tiến), hồ Sen, hồ Ồ Ồ (xã Sơn Lâm)…
Đập Kim Thành, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn đã xuống cấp, gây nguy hiểm trong mưa lũ.
Phần lớn các hồ đập này được đắp đất, xây dựng và đưa vào sử dụng từ hàng chục năm qua. Qua rà soát của địa phương, có 500 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm ở hạ lưu các hồ đập mất an toàn.
Ông Nguyễn Chí Tâm - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho hay: Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần các hồ đập, ngay trước khi bước vào mưa lũ, huyện đã yêu cầu các xã tiến hành rà soát, báo cáo hiện trạng hồ đập, đánh giá các nguy cơ và thống kê cụ thể, lấy số điện thoại liên lạc của từng hộ dân để liên lạc khi cần.
Trong thời điểm mưa lớn, huyện cũng giao cho xã, thôn phải kiểm tra thường xuyên hồ đập, phát hiện sớm các dấu hiệu xói lở, rò nước và tiến hành sơ tán dân ngay. Cùng với đó là phải sẵn sàng nhân lực, vật lực, xử lý nhanh các sự cố.
Việc đảm bảo an toàn cho hồ đập và vùng hạ du luôn được các ngành chức năng Hà Tĩnh quan tâm.
Huyện miền núi Vũ Quang có 33 hồ đập với công năng, nhiệm vụ chính của các hồ đập là tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, điều tiết nước cắt giảm lũ vùng hạ du.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Nguyễn Thanh Sơn cho hay, trong những năm qua, địa phương đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhưng hiện nay vẫn còn nhiều hồ đập bị hư hỏng các hạng mục (cống đóng mở, tràn, thân đập ).
Trong số này, tình trạng hư hỏng nặng có đập Khe Xai (xã Hương Minh), đập Khe Nải (xã Đức Liên) và huyện cũng đã rà soát và xác định có 30 hộ dân với 95 nhân khẩu sinh sống gần khu vực 2 đập này có nguy cơ mất an toàn khi công trình xảy ra sự cố.
Đập Khe Du hư hỏng nặng khiến hàng chục hộ dân ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê thấy mưa là lo.
Tại huyện Hương Khê có 64 hồ, đập nhỏ và vừa, trong đó có hàng chục công trình đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp do thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lụt. Huyện cũng đã rà soát được 1.060 hộ với 3.508 người cần phải sơ tán khi các hồ đập có dấu hiệu mất an toàn.
Thống kê từ Chi cục Thủy lợi cho thấy, trong số 351 hồ đập trên địa bàn toàn tỉnh thì có gần 150 công trình hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa; trong đó, có 55 hồ đập xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ.
Sạt lở ở chân khu vực cống vận hành điều tiết lũ ở hồ Thượng Sông Trí, TX Kỳ Anh .
Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Ngô Đức Hợi cho hay, trước thực trạng này, ngay khi bước vào mùa mưa lũ năm 2021, bên cạnh việc yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý hồ đập xây dụng và thực hiện phương án phòng chống thiên tai thì đơn vị cũng yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê các hộ dân nằm trong vùng hạ du các hồ đập khi công trình xảy ra sự cố.
Theo đó, có tất cả 2.349 hộ với 8.024 người cần sơ tán và hiện các địa phương đã có phương án cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân. Những hộ dân nằm trong danh sách cần sơ tán, di dời ở vùng hạ du hồ đập được các địa phương lấy số điện thoại, chuẩn bị địa điểm nơi sơ tán, phương tiện di chuyển và có cán bộ từng cấp (thôn, xã, huyện) phụ trách cụ thể.
Để đề phòng mưa lớn, một số hồ chứa lớn ở Hà Tĩnh đã xả tràn.
Trước dự báo Hà Tĩnh sẽ có mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 8 và không khí lạnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý vận hành hồ đập phải sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa đang thi công, hồ chứa thủy điện, thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng, phương tiện thường trực tại các vị trí xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy.
Tăng cường kiểm tra, rà soát ngay các hộ dân, cơ sở đóng quân của lực lượng quân sự, biên phòng, cơ sở sản xuất kinh doanh ở trong các vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, vùng có khả năng ngập sâu khi có mưa lớn, vùng hạ du các hồ chứa, nhất là hồ chứa xung yếu để chủ động thông tin ngay cho người dân và các đơn vị biết ứng phó với các tình huống.