Sáng nay (12/10), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng đoàn kiểm tra công tác ứng phó với bão số 8 và tình hình mưa lớn ở địa bàn huyện Hương Sơn. |
Đoàn công tác đã tới kiểm tra tiến độ xây dựng công trình cầu tràn trên tuyến đường Tây - Lĩnh - Hồng, đoạn qua thôn 11, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn. Công trình có chiều dài hơn 17 km, nối 3 xã: Sơn Tây, Sơn Lĩnh và Sơn Hồng đến biên giới Việt - Lào.
Đoạn đường qua thôn 11, xã Sơn Hồng có khe suối chảy qua. Những năm trước, cứ mỗi lần mưa lũ, nước chảy xiết khiến đường thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng nặng dẫn tới chia cắt Đồn Biên phòng Sơn Hồng với các hộ dân trong thôn. Cách đây chừng 1 tháng, cầu tràn được tiến hành xây dựng với kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Dự kiến sau khoảng hơn 1 tháng nữa, công trình sẽ hoàn thành. Cầu tràn được xây dựng sẽ góp phần thuận tiện cho việc đi lại, nhất là mùa mưa lũ đã cận kề.
Tiếp đó, đoàn tới kiểm tra khu vực tràn Khe Bố, cách vị trí xây dựng cầu tràn chừng 200m. Qua các đợt mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về mạnh làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến thân tràn Khe Bố bị xói lở, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xã Sơn Hồng.
Trước tình trạng này, người dân và chính quyền địa phương đã sử dụng hàng chục rọ đá kè xung quanh để gia cố thân tràn. Tuy nhiên, dòng nước chảy xiết, các rọ đá đã bị nước cuốn trôi, tiếp tục gây ra xói lở thân tràn, nguy cơ mất an toàn cao.
Chính quyền địa phương mong muốn UBND tỉnh sớm có phương án gia cố chắc chắn tràn Khe Bố để hạn chế nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân ở thôn 11, xã Sơn Hồng mỗi mùa mưa lũ.
Đoàn công tác cũng đã tới thị sát tình hình đập Tri Báo ở thôn 3, xã Sơn Lĩnh. Đập có dung tích 250.000 m3, đã được xây dựng, sử dụng hàng chục năm qua. Trải qua thời gian, đập đã xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống vận hành gần như mất tác dụng.
Trên thân đập cũng xuất hiện một số vết nứt, rò nước. Vùng hạ lưu đập Tri Báo có 30 hộ với hơn 100 nhân khẩu đang sinh sống. Trường hợp đập xảy ra sự cố sẽ gây nguy hiểm cho các hộ dân.
Hiện nay, đập đã tích đầy nước và tự chảy tràn. Trước dự báo có mưa lớn, xã Sơn Lĩnh đã thông báo với người dân vùng hạ lưu và sẵn sàng phương án di dời tất cả các hộ nếu có tình huống nguy hiểm.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác tới kiểm tra việc xây dựng công trình Trốc Vạc, bắc qua sông Ngàn Phố nối 2 xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2. Cầu Trốc Vạc cũ vốn là cầu tràn, cứ mỗi mùa mưa lũ đều bị nước sông cuốn trôi. Đặc biệt, mùa mưa lũ 2020, cầu tràn Trốc Vạc bị cuốn trôi 150m, cắt đứt hoàn toàn giao thông qua lại.
Tháng 6/2021, cầu Trốc Vạc mới được xây dựng với kinh phí 45 tỷ đồng nhằm đảm bảo giao thông cho người dân trong khu vực, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn mùa mưa lũ, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội vùng núi huyện Hương Sơn. Tới nay, tiến độ cầu đã đạt được 65% khối lượng và dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2022. Quá trình xây cầu mới, đơn vị thi công cũng đã dựng cầu tạm cho người dân qua lại. Tuy nhiên, do nước chảy mạnh, cầu tạm đã bị nước cuốn trôi.
Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Đặng Ngọc Sơn ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của các cấp chính quyền từ huyện, xã tới cơ sở trong công tác ứng phó với bão số 8 và tình hình mưa lớn ở huyện Hương Sơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bão số 8 có cường độ mạnh, di chuyển nhanh và khả năng cao sẽ ảnh hưởng, gây mưa lớn diện rộng cho Hà Tĩnh. Hương Sơn cũng nằm trong khu vực dự báo có mưa to, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ, lũ ống, sạt lở đất nên các cấp chính quyền tuyệt đối không được lơ là, chủ quan mà phải thường xuyên cập nhật hướng đi, cường độ cũng như cảnh báo của các ngành chức năng để sẵn sàng ứng phó.
Huyện Hương Sơn cần có những biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ đập, công trình thủy lợi, giao thông nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, như: tràn Khe Bố, đập Tri Báo. Rà soát, nắm chắc từng gia đình, từng hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thông tin, sơ tán họ khi cần thiết, bảo vệ tuyệt đối tính mạng, tài sản cho người dân. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, máy móc để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống bất ngờ xảy ra, nhất là thực hiện tốt phương án “4 tại chỗ” từ hộ gia đình đến thôn, xã, huyện một cách cụ thể, sát thực tế.