Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Ảnh tư liệu.
Trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, nhưng Tổng tuyển cử đã được Hà Tĩnh cùng các địa phương trong cả nước chuẩn bị rất khẩn trương, kỹ lưỡng, đảm bảo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Để chuẩn bị Tổng tuyển cử, các ban bầu cử của Hà Tĩnh đã được thành lập tới tận làng xã do Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhân dân Hà Tĩnh cùng với đồng bào cả nước được quyền ứng cử và bầu cử, tham gia xây dựng cơ quan chính quyền. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử.
Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Khắp nơi trong tỉnh rợp trời cờ hoa, biểu ngữ với không khí rộn ràng, náo nức. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện cho mình, hạn chế những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.
Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.
Nhân dân lao động Hà Nội cổ động cho Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946. Ảnh Internet
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 6/1/1946 - ngày lịch sử dân tộc, cùng với Nhân dân cả nước, hơn 20 vạn cử tri Hà Tĩnh từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Kết quả đã bầu ra 7 đại biểu Hà Tĩnh vào Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, gồm các vị: Tạ Quang Bửu (do Trung ương giới thiệu về), Trần Hữu Duyệt, Trần Bình, Lê Lộc, Hồ Văn Ninh, Nguyễn Trọng Nhã, Nguyễn Đình Lương.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I đã công nhận Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, bầu ra Ban Thường trực Quốc hội và Ban Dự thảo Hiến pháp.
Tiếp đó, ngày 17/2/1946, cuộc bầu cử HĐND tỉnh và HĐND xã cũng được tiến hành thắng lợi. Trên 97% tổng số cử tri Hà Tĩnh đã đi bỏ phiếu, các đại biểu là đảng viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều trúng cử với số phiếu cao. Kết quả, có 26 đại biểu HĐND tỉnh và 181 đại biểu HĐND xã trúng cử.
Ngay sau đó, HĐND các cấp đã họp những phiên đầu tiên để bàn định các chủ trương, biện pháp củng cố chính quyền, xây dựng và bảo vệ chế độ mới, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị kháng chiến.
Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu.
Các cuộc bầu cử trên thực sự là những ngày hội lớn của toàn dân Hà Tĩnh, là thể hiện lòng yêu nước, niềm tin tưởng với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, là ý chí độc lập dân tộc, quyết tâm bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Qua đó, đã góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tuyển cử trên phạm vi toàn quốc, đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Số đặc biệt của Báo Quốc hội ra trong ngày Tổng tuyển cử. Ảnh tư liệu.
Kế thừa mạch nguồn truyền thống văn hóa, cách mạng, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh cùng nhau đoàn kết, viết tiếp trang sử hào hùng, làm nên diện mạo mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Hướng tới cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, sự chuẩn bị kỹ lương của chính quyền các cấp và niềm tin sắt son, sự kỳ vọng của cử tri, ngày hội non sông - 23/5 sẽ thành công tốt đẹp.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và Hà Tĩnh nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.