Hạ viện Anh chính thức thông qua dự luật Brexit

Sau 3 ngày tranh luận và xem xét kỹ lưỡng bản dự thảo dài 140 trang do chính phủ đề xuất, Hạ viện Anh đã thông qua “Dự luật Rút khỏi Liên minh châu Âu” với 494 phiếu thuận áp đảo so với 122 phiếu chống.

ha vien anh chinh thuc thong qua du luat brexit

Ảnh minh họa: Reuters

Theo đó, Hạ viện Anh “cho phép” chính phủ của Thủ tướng Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để khởi động các cuộc đàm phán đưa nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Kết quả này đã chấm dứt nhiều ngày tranh luận gay gắt vốn thử thách thế đa số mong manh của bà Mây trong Quốc hội, đồng thời là bước quan trọng để Anh khởi động đàm phán Brexit, được dự báo là “đầy khó khăn và phức tạp” với các vấn đề về thương mại, nhập cư và an ninh.

Dự luật cũng cần phải được Thượng viện Anh thông qua trước khi chính thức trở thành luật. Thượng viện Anh sẽ có 2 ngày xem xét dự luật này từ ngày 20/02 tới.

Trong trường hợp Thượng viện bổ sung hay có thêm sửa đổi, dự luật này sẽ lại được đưa trở lại Hạ viện xem xét cho đến khi được cả 2 viện thống nhất và thông qua. Dự luật này phác thảo chiến lược đàm phán về tiến trình Brexit do chính phủ của Thủ tướng Theresa May đề xuất.

Văn bản này vạch ra những đề xuất cụ thể về pháp luật trong tương lai và định hình cơ sở cho các cuộc tham vấn và thảo luận. Đây được coi là một trong những dự luật minh bạch nhất để bảo đảm hiệu lực quyết định của người dân, cũng như tôn trọng phán quyết của Tòa án Tối cao Anh.

Chính phủ của bà Mây muốn Quốc hội hoàn tất tiến trình pháp lý này vào thời hạn 07/03 tới để Anh đáp ứng thời hạn chót tháng 3/2017 khởi động đàm phán Brexit.

Một số nguồn thạo tin cho biết Thượng viện Anh có thể trì hoãn đến 1 tuần để thông qua dự luật này, song kể cả như vậy thời hạn chót vừa nêu cũng không bị ảnh hưởng.

Bà Theresa May đã có bước nhượng bộ quan trọng khi đồng ý trao quyền cho Quốc hội thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit, trước khi văn bản này được hoàn tất giữa Anh và EU.

Tuy nhiên, bà Theresa May cũng cảnh báo ngay cả trong trường hợp các nghị sĩ Quốc hội không thông qua các điều khoản của dự thảo thỏa thuận cuối cùng về Brexit, nước Anh vẫn sẽ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi Liên minh châu Âu.

Ngay sau khi Hạ viện thông qua dự luật Brexit, Nghị sĩ Clive Lewis, một trong 52 nghị sĩ Công đảng bỏ phiếu chống đã tuyên bố từ chức. Một nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền Kenneth Clarke cũng đã nói “không” với dự luật này.

Nữ Thủ tướng Anh đang cố gắng tránh một cuộc “nổi loạn” trong đảng Bảo thủ cầm quyền của mình đối với dự luật trao quyền cho Thủ tướng khởi động tiến trình đàm phán chính thức về Brexit.

Đồng thời bà Theresa May cũng muốn xoa dịu lo ngại của những người “có thành kiến với EU” khi họ cho rằng phe phản đối Brexit đang tận dụng cơ hội để làm chậm lại tiến trình Anh rời khỏi EU.

Trong khi đó, Cơ quan lập pháp xứ Scotland thuộc Vương quốc Anh, với tỷ lệ áp đảo 90 phiếu thuận và 30 phiếu chống, đã ra lời kêu gọi ngừng tiến trình thông qua dự luật trao quyền cho Chính phủ Anh khởi động Brexit. Song lời kêu gọi này chỉ mang tính biểu tượng và Thủ tướng Mây đã khẳng định không có chuyện sẽ có một Scotland độc lập trong Liên minh châu Âu.

Phát biểu ngày 8/2, bà Theresa May nói: “Tôi muốn nhắc lại 2 điều quan trọng. Thứ nhất là, Tòa án tối cao đã phán quyết Cơ quan lập pháp Scotland không có quyền phủ quyết khi Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Dự luật Brexit đang được Quốc hội xem xét và chính phủ sẽ được trao quyền để khởi động tiến trình đàm phán Brexit”.

Các cuộc đàm phán Brexit dự kiến kéo dài khoảng 2 năm và được dự báo sẽ là một trong những cuộc đàm phán khó khăn và phức tạp nhất trong lịch sử hình thành Liên minh châu Âu.

Theo VOV

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.