Hỗ trợ học phí cho học sinh - chính sách nhân văn của Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thông tin về việc HĐND tỉnh Hà Tĩnh vừa thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đã mang đến niềm vui lớn đối với hàng trăm ngàn phụ huynh, học sinh trong tỉnh.

Theo nội dung của chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí học kỳ I năm học 2022-2023, học sinh sẽ không phải đóng học phí trong 4 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12).

Hỗ trợ học phí cho học sinh - chính sách nhân văn của Hà Tĩnh

Học sinh Hà Tĩnh sẽ được miễn học phí học kỳ 1 năm học 2022-2023.

Đối tượng hỗ trợ là trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên chương trình giáo dục phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên toàn tỉnh có tên trong cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT học kỳ I năm học 2022 - 2023.

Anh Nguyễn Hồng Thái ở xã Đức Lĩnh - phụ huynh học sinh Trường THPT Cù Huy Cận (Vũ Quang) chia sẻ: “Qua nghe thông tin, chúng tôi rất vui. Sau dịch bệnh, nguồn thu từ nghề lao động tự do như tôi cũng bấp bênh, không đáng kể, tất cả đều trông chờ vào đồng ruộng nên việc được hỗ trợ không phải đóng học phí trong học kỳ I này cũng đồng nghĩa với việc giúp gia đình giảm bớt một khoản chi tiêu đáng kể”.

Cùng hoàn cảnh như anh Thái, sau dịch COVID-19, gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở xã Hộ Độ (Lộc Hà) cũng gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Các khoản chi tiêu trong thời “bão giá” cùng với chi phí học tập cho các con khiến chị Hà luôn bị áp lực về tài chính.

“Trong giai đoạn này, hầu như mọi chi phí đều tăng nên người lao động chúng tôi rất khó khăn. Việc được hỗ trợ không phải đóng học phí trong học kỳ I này, tương đương mỗi cháu được miễn từ 50.000 đến hơn 100.000 đồng/tháng tùy theo từng bậc học, với gia đình có 3 con đi học như chúng tôi, đó cũng là nguồn kinh phí khá lớn. Vì thế, sự hỗ trợ của tỉnh trong lúc này là hết sức nhân văn và kịp thời”, chị Hà tâm sự.

Hỗ trợ học phí cho học sinh - chính sách nhân văn của Hà Tĩnh

Giờ học của thầy và trò Trường THPT Cù Huy Cận (Vũ Quang)

Dù chưa có thông báo chính thức bằng văn bản, nhưng thông tin về việc học sinh được hỗ trợ không phải đóng học phí đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng mang đến niềm vui cho các thầy cô giáo trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Thầy Trần Hảo - Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Lộc (Can Lộc) thông tin: “Nhà trường có gần 1.000 học sinh. Là địa bàn thị trấn nhưng thực tế đời sống của phần lớn bà con vẫn phụ thuộc vào đồng rộng và lao động phổ thông. Vì thế, việc hỗ trợ miễn học phí học kỳ I sẽ giảm bớt gánh nặng cho người lao động và bà con nông dân, giúp phụ huynh phần nào tháo gỡ được khó khăn trong thời điểm sau dịch bệnh. Chúng tôi cũng cảm thấy vui thay cho phụ huynh, học sinh”.

Hỗ trợ học phí cho học sinh - chính sách nhân văn của Hà Tĩnh

Chính sách miễn học phí cũng được thực hiện ở các cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp.

Thống kê sơ bộ của ngành GD&ĐT Hà Tĩnh, trong năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có gần 331.000 học sinh từ bậc mầm non đến THPT, trong đó có khoảng 200.000 học sinh ở các bậc mầm non, THCS, THPT phải đóng học phí (học sinh tiểu học được miễn học phí).

Thầy Nguyễn Thanh Nhàn - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) cho biết: Hiện trên địa bàn toàn tỉnh, mức học phí được quy định theo 3 vùng. Vùng 1 gồm các trường, điểm trường đóng trên bản Rào Tre, xã Hương Liên, thôn Bản Giàng, xã Hương Vĩnh (Hương Khê); vùng 2 gồm các trường, điểm trường đóng trên địa bàn các xã (trừ các trường, điểm trường tại vùng 1 và Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh); vùng 3 gồm các trường, điểm trường đóng trên địa bàn các phường, thị trấn và Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.

Trên cơ sở đó, mức học phí từ trước đến nay của bậc mầm non ở vùng 1 được quy định là 30.000 đồng/tháng, vùng 2 là 50.000 đồng/tháng và vùng 3 là 120.000 đồng/tháng; bậc THCS mức thu học phí vùng 1 là 35.000 đồng/tháng, vùng 2 là 45.000 đồng/tháng, vùng 3 là 80.000 đồng/tháng; bậc THPT mức thu vùng 1 là 40.000 đồng/tháng, vùng 2 là 70.000 đồng/tháng, vùng 3 là 110.000 đồng/tháng.

Để thực hiện chính sách hỗ trợ không phải đóng học phí học kỳ 1 năm học này cho khoảng 200.000 học sinh trên địa bàn, Hà Tĩnh phải trích một nguồn ngân sách khá lớn. Trong điều kiện tình hình kinh tế còn khó khăn thì đây là chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh trong việc chia sẻ với người dân sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Được biết, Hà Tĩnh cũng là một trong số ít những tỉnh, thành trên cả nước thực hiện chủ trương thiết thực này.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.