Sáng nay (29/9), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Bí thư Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh Nguyễn Đình Hải chủ trì nghe báo cáo dự thảo đề án và dự thảo Nghị quyết đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp (DN) tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. |
Hiện nay, toàn tỉnh có 8.997 DN đang hoạt động; mật độ DN hoạt động bình quân đạt tỷ lệ 6,9 DN/1.000 dân, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 3/6 tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên, nhìn chung DN Hà Tĩnh vẫn còn khó khăn, hạn chế. Nhiều chỉ tiêu đánh giá về DN của tỉnh chưa bằng mức bình quân chung của cả nước như: mật độ DN/1.000 dân; quy mô DN nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, thiếu lao động kỹ thuật…
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển trình bày tóm tắt nội dung dự thảo đề án và nghị quyết.
Dự thảo đề án và nghị quyết xác định mục tiêu phát triển DN cả về số lượng và chất lượng, trọng tâm là phát triển chất lượng, có năng lực cạnh tranh, bền vững, trong đó có một số DN lớn, nguồn lực mạnh để làm “đầu tàu” dẫn dắt các DN tham gia chuỗi giá trị;
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN; góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN.
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Lê Đức Thắng: Nội dung, chỉ tiêu dự thảo đề án cơ bản đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của các DN; mong muốn nghị quyết, đề án sớm ban hành và tổ chức thực hiện.
Một số chỉ tiêu cụ thể dự kiến đến năm 2025 như: toàn tỉnh có trên 15.000 DN, khu vực DN đóng góp khoảng khoảng 60% - 65% GRDP của tỉnh; tổng vốn đầu tư từ khu vực DN chiếm từ 60% - 65% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh; khu vực DN đóng góp khoảng 65% - 70% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh; hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động…
Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Phạm Trần Đệ: Cần kiểm soát chất lượng, hoạt động thực sự của DN, đặc biệt là công tác hậu kiểm. Cùng với hoạt động cấp phép thành lập DN, cần định hướng DN hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật.
Dự thảo đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành về phát triển DN; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển DN, thúc đẩy khởi nghiệp; đẩy mạnh công tác hỗ trợ đăng ký DN và nâng cao chất lượng hoạt động của DN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong hỗ trợ và phát triển DN; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ DN; phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của DN, doanh nhân.
Ông Lee Hsin Hua - Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh: Tình hình sản xuất kinh doanh của Formosa hiện nay tương đối ổn định. Chúng tôi đang triển khai đầu tư xây dựng khu gia công phụ trợ với số vốn 80 triệu USD, hiện đang hoàn thành thủ tục pháp lý.
Tham gia góp ý tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, DN đã làm rõ những tồn tại, hạn chế hiện nay trong phát triển DN và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm giải pháp như: chú trọng phát triển văn hoá DN, tăng cường đối thoại với DN, chủ động rà soát “điểm nghẽn” trong hoạt động của DN, quan tâm về khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường hậu kiểm hoạt động của DN; đào tạo nhân lực cho DN…
Bí thư Đảng uỷ Khối CCQ&DN tỉnh Nguyễn Đình Hải:Thời gian qua, DN Hà Tĩnh phát triển nhanh về số lượng, tuy nhiên chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. DN đóng nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, bởi vậy việc ban hành nghị quyết là cần thiết. Các chỉ tiêu, mục tiêu nghị quyết phải bám sát của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. |
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh biểu dương Sở KH&ĐT và các sở, ngành đã phối hợp tích cực xây dựng đề án. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của DN trong phát triển KT-XH tỉnh như: đóng nộp ngân sách, đóng góp vào GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, phần thực trạng trong đề án cần làm rõ nội dung: chất lượng DN qua các năm, DN không hoạt động, không phát sinh thuế...; chi tiết hơn phần tồn tại, hạn chế, nguyên nhân về phát triển DN và hoạt động DN thời gian qua.
Đề án phải đảm bảo kết cấu, phần mục hợp lý, đúng quy chuẩn; cần bổ sung các mục như: phạm vi, nguồn lực của đề án, đánh giá tác động của đề án... Cùng đó, rà soát, bổ sung nhóm chỉ tiêu về chất lượng hoạt động của DN; bổ sung, đầu tư hơn nữa về các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm và nội dung phần tổ chức thực hiện, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các đơn vị trong đề án.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở KH&ĐT tiếp thu ý kiến đóng góp của Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh, các sở, ngành, địa phương, DN để tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung, bố cục đề án. Sở KH&ĐT hoàn thành đề án để trình UBND tỉnh trước ngày 4/10.