Hiện nay, lúa vụ xuân đã có khoảng 59.000 ha trổ bông. Tuy nhiên rầy nâu, rầy lưng trắng đang diễn biến phức tạp, rầy lứa 3 đã ra rộ, mật độ trung bình 800-1.000 con/m2, nơi cao 2.500-3.000 con/m2, cục bộ ổ 8.000-10.000 con/m2. Rầy chủ yếu tuổi 2, tuổi 3, trưởng thành và có sự xen gối lứa, diện tích nhiễm 1.547ha.
Để hạn chế thiệt hại, bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân 2020, bà con có thể sử dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa vụ xuân theo các bước sau:
Trước mắt tập trung xử lý các diện tích đã nhiễm rầy để hạn chế nguồn phát tán, lây lan. Duy trì đủ nước tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ bông - vào chắc và phát huy hiệu lực của các loại thuốc trừ rầy.
Thường xuyên giám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, chú trọng các vùng thấp trũng, vùng hàng năm rầy thường phát sinh gây hại. Khi phát hiện tổ chức khoanh vùng, cắm vè, tổ chức phun trừ kịp thời khi rầy tuổi 1, tuổi 2. Thời điểm tổ chức phòng trừ lứa rầy tiếp theo sau 22/4/2020, căn cứ thời điểm rầy nở rộ, mật độ rầy tại từng địa phương để tiến hành phòng trừ đảm bảo hiệu quả.
Xử lý thuốc bảo vệ thực vật
Lúa giai đoạn trước trổ sử dụng các loại thuốc có tính nội hấp, lưu dẫn
như:
+ Sutin 50SC: Pha 30ml thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2;
+ Dantotsu 50WG: Pha 7,5 gam thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2;
+ Ba Đăng 300WP: Pha 30 gam thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2;
+ Chess 50WG: Pha 30 gam thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2,...
Lúa giai đoạn sau trổ, mật độ rầy cao sử dụng các loại thuốc tiếp xúc, xông hơi như:
+ Victory 585EC, Wavotox 585EC: Pha 30 ml thuốc vào 25-30 lít nước, phun cho 1 sào 500m2;
+ Bassa 50E: Pha 60 ml thuốc vào 25-30 lít nước, phun cho 1 sào 500m2,...
Lưu ý, khi phun thuốc phải rẽ lúa thành những băng rộng 0,5-0,6m, điều tiết nước hợp lý, phun đảm bảo cho thuốc tiếp xúc với rầy. Sau khi phun thuốc 45 ngày kiểm tra nếu mật độ rầy trên đồng ruộng còn cao tiến hành phun lại lần 2.