Hướng đến những giá trị mới trong sản xuất nông nghiệp

(Baohatinh.vn) - Việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã khá phổ biến trong trồng trọt và chăn nuôi. Trên cơ sở đó, Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh từng bước góp phần thay đổi tư duy, hành vi trong sản xuất cho người dân, hướng đến những giá trị văn minh, nhân văn...

huong den nhung gia tri moi trong san xuat nong nghiep

Tham gia chuỗi giá trị chè, người dân Kỳ Thượng (Kỳ Anh) đã được tiếp cận với các giá trị mới trong sản xuất nông nghiệp.

Đảm bảo môi trường trong sản xuất là một trong những yếu tố văn minh được dự án quan tâm hàng đầu. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, tiêu chí môi trường còn được đưa vào nội dung, kế hoạch thực hiện từng năm. Hàng tháng, hàng quý, BQL dự án đều tổ chức các hoạt động liên quan đến môi trường như tập huấn kiến thức, hội thảo, tuyên truyền trực quan bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt dựa vào cộng đồng… cho người dân các địa phương có dự án.

Bên cạnh đó, yếu tố đảm bảo môi trường còn được lồng ghép vào các hoạt động của dự án như thực hiện 5 chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất... Những năm qua, việc lồng ghép yếu tố môi trường vào thực tế sản xuất được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo kế hoạch đã góp phần thay đổi tư duy, hành động của người nông dân trong sản xuất.

Quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi đã khiến người nông dân hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng lúa và rau, củ. Trong chăn nuôi, việc đầu tư bể biogas và đệm lót sinh học cũng giúp cải thiện môi trường nông thôn. Ông Nguyễn Xuân Hưng (thôn Phúc Độ, Kỳ Thượng, Kỳ Anh) cho biết: “Tham gia chuỗi chè của dự án, nhận thức về đảm bảo môi trường trong sản xuất của tôi và bà con được nâng lên rất nhiều. Chúng tôi đã thay đổi cách lựa chọn phân bón và cách sử dụng phân bón sao cho không ảnh hưởng đến môi trường”.

Cùng với đảm bảo môi trường, dự án cũng quan tâm đến việc nâng cao ý thức và hành động cho người nông dân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu và người nông dân Hà Tĩnh không phải là ngoại lệ trong những tác động xấu của biến đổi khí hậu. Trang bị kiến thức về vấn đề này để thay đổi hành vi của người nông dân là một trong những mục tiêu mà dự án hướng đến.

Tại Hà Tĩnh, biến đổi khí hậu đã có những tác động xấu đến thời tiết, gây ra những rủi ro lớn trong sản xuất, nhất là cây trồng. Việc nắm bắt kiến thức về biến đổi khí hậu để thay đổi tư duy trong lựa chọn giống, phương pháp sản xuất và đảm bảo môi trường mà dự án cung cấp cho người dân trong thời gian qua thông qua chuỗi giá trị đã mang lại những kết quả khả quan. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến chuỗi chè ở Kỳ Thượng và chuỗi lúa ở Đức Thọ. Khi tham gia và tuân thủ quy định của 2 chuỗi giá trị này, người nông dân không chỉ tránh được những tác động xấu của biến đổi khí hậu mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả kinh tế.

Đảm bảo sự bình đẳng giới trong sản xuất nông nghiệp mà dự án chú trọng cũng là một trong những giá trị nhân văn. Tình trạng người phụ nữ phải gánh vác phần lớn công việc trong sản xuất nông nghiệp đang khá phổ biến ở các vùng nông thôn. Theo thống kê, có khoảng 65% phụ nữ tham gia các lớp tập huấn kiến thức sản xuất của dự án và khi tham gia dự án, họ được quyết định mọi vấn đề trong sản xuất.

Ngoài ra, dự án cũng đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn kiến thức bình đẳng giới cho cả phụ nữ và nam giới nhằm nâng cao nhận thức, hành động, giảm gánh nặng cho phụ nữ. Dự án cũng đã hỗ trợ các loại giống, hạ tầng kỹ thuật, phương pháp sản xuất nhằm giúp giảm thiểu những khó khăn cho người phụ nữ trong trồng trọt và chăn nuôi. Điều này cũng đã được khẳng định qua hiệu quả từ chuỗi chè, lợn, bò… ở các vùng dự án.

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.