Cộng tác viên dân số xã Hương Trạch cập nhật số liệu về dân số trên địa bàn.
Năm 2021, tỷ lệ sinh trên 2 con của toàn tỉnh đạt 34,57% (tăng 2,38% so với năm 2020), riêng huyện Hương Khê, tỷ lệ này là 25,7% (giảm 2,4% so với năm 2020). Đây là địa phương có mức giảm cao nhất toàn tỉnh.
Để có được kết quả này, đội ngũ cán bộ và cộng tác viên dân số ở địa phương đã phải nỗ lực bám nắm cơ sở, phát huy cao độ trách nhiệm để làm thay đổi dần nhận thức của người dân.
Chị Nguyễn Thị Oanh - cán bộ dân số xã Hương Trạch cho biết: “Xã có 1.940 hộ dân với gần 7.000 nhân khẩu, trong đó, 50% là giáo dân; đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, quan niệm “đông con hơn nhiều của” vẫn còn tồn tại trong không ít gia đình nên công tác dân số ở đây không hề dễ dàng. “Mưa dầm thấm lâu”, bằng nhiều biện pháp như truyền thông lồng ghép, sinh hoạt nhóm kết hợp với hoạt động của hội phụ nữ, kiên trì tìm hiểu, chia sẻ tâm tư với bà con, chúng tôi đã dần làm chuyển biến nhận thức, hành động của người dân về vấn đề dân số”.
Thường xuyên bám nắm cơ sở, cộng tác viên dân số xã Hương Trạch dần thay đổi quan niệm của người dân về công tác DS-KKHGĐ.
Nhờ đó, năm 2021, tỷ lệ sinh trên 2 con của Hương Trạch đạt 31%, giảm 17% so năm 2020. Dù tỷ lệ đó vẫn còn cao so với mặt bằng chung nhưng với đặc thù của xã Hương Trạch thì đó là sự nỗ lực không hề nhỏ.
Việc nâng cao chất lượng dân số qua truyền thông hoặc triển khai các đề án về dân số cũng đã tạo cơ hội để người dân trong xã tiếp cận chính sách và thay đổi nhận thức về công tác DS-KHHGĐ, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trung tâm Y tế huyện Hương Khê triển khai chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại xã Phúc Đồng vào giữa năm 2021.
Trong năm 2021, Trung tâm Y tế huyện Hương Khê đã tổ chức cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các xã có nguy cơ sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính khi sinh cao, xã vùng biên giới, các xã đặc biệt khó khăn. Theo đó, toàn huyện đã khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho 1.200 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; thực hiện biện pháp tránh thai cho 2.198 cặp vợ chồng.
Trung tâm Y tế huyện cũng tổ chức ra quân chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2021 cho 11/21 xã. Kết quả, có 552 cặp vợ chồng đã được thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại.
Cán bộ dân số xã Phú Phong hướng dẫn người dân chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Chị Phan Thị P. (xã Phúc Đồng) chia sẻ: “Mặc dù chỉ có 2 con gái, nhưng vợ chồng tôi không có ý định sinh thêm con nữa. Trong chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ triển khai tại địa phương đợt giữa năm 2021, được sự tư vấn của cán bộ dân số, tôi đã lựa chọn biện pháp cấy que tránh thai. Tôi thấy biện pháp này tiến hành khá đơn giản, tạo tâm lý thoải mái cho người sử dụng”.
Việc duy trì hoạt động của các câu lạc bộ sinh hoạt về DS-KHHGĐ; mở rộng phạm vi hưởng lợi của các đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên cũng đã góp phần tạo bước đột phá trong công tác dân số ở địa phương.
Trung tâm Y tế huyện Hương Khê nỗ lực để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.
Với những kết quả đạt được, năm 2021, Hương Khê được ngành dân số Hà Tĩnh đánh giá xếp loại là đơn vị xuất sắc.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, hoạt động của ngành dân số bị ảnh hưởng không nhỏ, tuy nhiên, Hương Khê đang nỗ lực để triển khai các hoạt động liên quan đến công tác DS-KKHGĐ phù hợp với bối cảnh mới.
Trong tháng 1/2022, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp Hội Người cao tuổi tổ chức 218 cuộc truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19 cho người cao tuổi tại 21/21 xã, thị trấn cho hơn 4.500 hội viên. Đến nay, Hương Khê cũng là địa phương duy nhất trong toàn tỉnh triển khai được hoạt động này.
Có được kết quả đó là nhờ sự tham mưu kịp thời, quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở. Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Hương Khê sẽ tập trung triển khai các kế hoạch, duy trì hoạt động của các đề án để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.