Nâng cao chất lượng giáo dục cho con em dân tộc thiểu số ở Hương Khê

(Baohatinh.vn) - Việc nâng cao đời sống cho đồng bào nói chung, công tác giáo dục con em người dân tộc nói riêng luôn được huyện Hương Khê - địa phương có người dân tộc thiểu số sinh sống lớn nhất Hà Tĩnh quan tâm.

Nâng cao chất lượng giáo dục cho con em dân tộc thiểu số ở Hương Khê

Năm học vừa qua, Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh có 18 em đỗ đại học (70% học sinh khối 12).

Năm học này, người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên) càng tự tin và hăng hái đưa con em đến trường bởi bà con hiểu rằng, con đường học tập sẽ giúp con em dân bản thoát nghèo bền vững.

Niềm hứng khởi của người Chứt được khơi dậy thêm từ khi bản làng có học sinh đầu tiên trúng tuyển đại học vào năm 2021. Đó là em Hồ Thị Sương, cựu học sinh Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh (địa chỉ tại thị trấn Hương Khê). Hiện em là tân sinh viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh.

Nâng cao chất lượng giáo dục cho con em dân tộc thiểu số ở Hương Khê

Hồ Thị Sương là người đầu tiên của bản Rào Tre trúng tuyển đại học.

Khi còn là học sinh phổ thông, do hoàn cảnh khó khăn, trường học lại ở xa nhà nên một tháng Sương mới về thăm nhà một lần. Sương tâm sự: “Dù sống xa gia đình nhưng chúng em luôn nhận được sự quan tâm của các thầy cô giáo ở Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh. Không chỉ trong giờ lên lớp, từ bữa ăn, giấc ngủ, chúng em đều được các thầy cô giáo chăm lo, động viên chân tình như người thân”.

Ngoài em Hồ Thị Sương, năm học vừa qua, Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh còn có 17 em đỗ đại học, trong đó có nhiều em đạt điểm rất cao. Đây cũng là năm học nhà trường có số học sinh trúng tuyển vào đại học nhiều nhất trong 25 năm qua.

Nâng cao chất lượng giáo dục cho con em dân tộc thiểu số ở Hương Khê

Bên cạnh dạy học, các thầy, cô luôn quan tâm giúp các em học sinh người dân tộc rèn luyện, chủ động hòa nhập với môi trường mới.

Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh Đặng Thái Mân cho biết, có được kết quả này là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục đối với sự học của con em đồng bào dân tộc ở Hà Tĩnh.

Hiện nay, nhà trường đang dạy học, nuôi dưỡng 243 em của 2 cấp học THCS và THPT (trong đó có 118 em ở huyện Hương Khê). Bên cạnh đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường luôn quán triệt đội ngũ giáo viên quan tâm, khơi dậy bản sắc văn hóa các dân tộc để giúp các em học sinh rèn luyện, chủ động hòa nhập với môi trường mới và nỗ lực vươn lên khẳng định bản thân.

Nâng cao chất lượng giáo dục cho con em dân tộc thiểu số ở Hương Khê

Bữa ăn, giấc ngủ của học sinh đều được các thầy cô giáo Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh quan tâm chăm lo.

Cô Phan Thúy Hằng cho biết: “Ngoài giờ học trên lớp, chúng tôi chú trọng rèn luyện kỹ năng sống thông qua các câu lạc bộ, diễn đàn quảng bá bản sắc văn hóa của các dân tộc. Các thầy, cô giáo luôn tạo điều kiện để các em rèn luyện kỹ năng sống, khơi dậy niềm say mê học tập, từ đó hướng dẫn cách học và định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường của từng học sinh”.

Em Lê Thị Hoa (lớp 10, người dân tộc Lào) bày tỏ: “Em rất thích các hoạt động ngoại khóa của trường tổ chức. Chúng em không chỉ được vui chơi mà còn được trao đổi kiến thức, phương pháp để học tập tốt hơn. Đặc biệt, một số hoạt động còn nói về văn hóa của các dân tộc thiểu số, qua đó, chúng em thêm tự hào và tích cực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Nâng cao chất lượng giáo dục cho con em dân tộc thiểu số ở Hương Khê

Giáo viên phụ trách lớp học sinh người dân tộc Chứt ở Trường Tiểu học Hương Liên có thể giao tiếp bằng tiếng bản địa để thuận lợi hơn với các em.

Ở các cấp học thấp hơn, các trường trên địa bàn huyện cũng luôn dành sự quan tâm, ưu ái đặc biệt cho học sinh là người dân tộc thiểu số. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Liên (xã Hương Liên) Đậu Văn Duẩn cho hay, toàn trường có 21 học sinh dân tộc Chứt; trong đó chỉ có 1 em theo được chương trình giảng dạy bình thường, 20 em còn lại chia thành 2 lớp ghép (10 em khối lớp 1, 2 và 10 em khối lớp 3, 4, 5).

Đầu các năm học, nhà trường đều vận dụng các khoản kinh phí để hỗ trợ các em từ sách vở, đồ dùng học tập đến trang phục, giày dép… Các giáo viên phụ trách lớp phải nói được tiếng dân tộc để giao tiếp thuận tiện hơn với học sinh. Ngoài dạy kiến thức, các thầy, cô giáo trong trường còn hướng dẫn học sinh một số kỹ năng sống, giúp các em dễ hòa nhập.

Nâng cao chất lượng giáo dục cho con em dân tộc thiểu số ở Hương Khê

Khả năng đọc, viết tiếng Việt, kỹ năng sống của học sinh dân tộc Chứt ngày càng được cải thiện.

Bí thư Huyện ủy Hương Khê Lê Ngọc Huấn khẳng định, cùng với việc quan tâm, tạo sinh kế bền vững cho các gia đình dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền địa phương coi nhiệm vụ xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học đóng chân ở những địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện có hiệu quả mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục đối với học sinh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn có những chuyển biến tích cực như: tỷ lệ học sinh đậu đại học ngày càng cao; khả năng đọc, viết tiếng Việt, kỹ năng sống của học sinh dân tộc Chứt tại bản Rào Tre ngày càng được cải thiện...

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.