Hương Sơn là huyện miền núi giáp biên giới Việt Lào. Nơi đây có núi non trùng điệp, hùng vĩ và dòng sông Ngàn Phố hiền hòa, thơ mộng. Thiên nhiên ban tặng cho nơi đây nhiều sản vật, trong đó có giống cam bù thơm ngon với hương vị đặc trưng, không trộn lẫn với bất kỳ hương vị của loại trái cây nào khác. Người lần đầu nếm vị cam bù có thể chưa thích liền.
Cam bù không hấp dẫn ta ngay bởi vị ngọt ngào nơi đầu lưỡi. Nhưng ai đã quen ăn cam bù rồi không dễ quên cái hương vị khó lẫn của nó. Quả cam hình quả ngô đồng, nặng tầm vài lạng, vỏ dày, múi mọng nước. Bóc múi cam bù, nghe nước miếng tứa ra, bởi hương vị thanh mát vô cùng hấp dẫn. Quẹt một chút ruốc biển, đưa vào miệng, thật đậm đà, sảng khoái làm sao! Vị chua ngọt của cam, vị mằn mòi của ruốc quyện hòa. Nuốt xong rồi để lại vị ngọt tận trong cổ họng. Cái ngọt thanh cứ theo ta mãi, chứ không phải đã nuốt rồi là hết.
Hương của trái cam bù vừa thoảng, vừa nồng, một thứ tinh dầu với mùi hương vừa pha chanh, vừa như của một loại mỹ vị nào đấy của núi đồi sơn cước, không thể diễn tả được. Chỉ biết bóc ra là “biết liền” cam bù! Dân gian dùng cam bù để chữa cảm cúm như một loại kháng sinh tự nhiên. Kỳ lạ thay đang hắt hơi nhảy mũi, chảy nước mắt, ăn liền cả quả cam bù nghe người hết mệt nhọc, tinh thần minh mẫn ngay.
Cam bù đỏ rực những sườn đồi.
Cam bù trước được trồng nhiều tại vùng đất Sơn Bằng. Mẹ tôi người gốc ở đây, bà kể, ngày xưa, trong vườn trồng vài chục gốc cam. Vị cam bù chua thanh, ngọt mát, ngon hơn cam bù bây giờ, bởi chưa lai ghép và được chăm sóc hoàn toàn từ phân chuồng. Những ngày nắng cuối đông hanh hao, ra vườn hái ít quả cam bù, bóc ra chấm ruốc thì quả thật không có loại cao lương mỹ vị nào sánh bằng.
Vì thế, nhiều người xa xứ khi nhớ về Hương Sơn trong những ngày tết Nguyên đán, lòng không khỏi quay quắt hương vị cam bù. Trở về quê hương sau những ngày mưu sinh cực nhọc, rưng rưng, bồi hồi khi cầm trái cam bù chín mọng, cảm nhận rõ nhất sự thân thuộc của quê hương trong bàn tay mình.
Mùa thu hoạch cam bù vào đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài cho đến giêng hai. Cam bù chỉ cho quả vào một mùa này, đúng dịp tết Nguyên đán, như một sự trả công cho người nông dân quanh năm vất vả, như một sự báo đáp tổ tiên, đất trời đã ban nắng mưa hòa thuận.
Cam bù Hương Sơn phù hợp với những vùng đồi núi, ngày nay được trồng nhiều ở xã Kim Hoa, Sơn Trường. Đi dọc nơi đây, khách không khỏi ngỡ ngàng về những đồi khoác áo da cam. Cây trĩu quả, phải dùng sào mà chống đỡ. Trong cái mưa phùn lất phất đầu xuân, màu vàng của vườn cam chín mọng là màu của cái tết no đủ, rộn ràng.
Hoa bắt đầu ra vào mùa xuân, lúc này người trồng cam phải chăm bón, phòng trừ sâu bệnh. Cam bù là giống cây chịu khô hạn kém mà Hương Sơn lại là mảnh đất của gió lào bỏng rát trong những ngày hè. Mùa hè là thời điểm chăm cam cực nhất. Mấy tháng trời ròng rã, người trồng cam phải dẫn nước từ các khe suối lên đỉnh đồi, tưới đẫm gốc, tưới suốt đêm. Tưới từ tháng 4 đến tháng 7, khi có lất phất mưa thu mới ngừng nghỉ.
Để có trái cam bù chín mọng, người trồng cam đã trải qua lắm nỗi nhọc nhằn với bao nhiêu giọt mồ hôi đổ xuống, bao đêm trũng sâu đôi mắt, bao tấm áo bạc màu với nắng, với gió lào. Được mùa lại thường rớt giá, niềm vui đôi khi không tránh khỏi ưu tư...
Cam bù trong một phiên chợ Tết (Ảnh tư liệu).
Mời bạn một lần ghé thăm Hương Sơn khi đất trời chuyển giao từ cuối đông sang lập xuân. Dọc quốc lộ 8A rộm lên màu vàng của những thúng cam bù được bày bán. Từ chợ Phố đến chợ Rạp, chợ Nầm, xuôi vào chợ Đình, cam nhuộm vàng hai bên đường. Thương lái tấp nập.
Có lần trên chuyến xe rời quê hương từ sáng sớm, dù là người con Hương Sơn, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên về sự tấp nập người bán kẻ mua từ lúc 1h sáng. Những trái cam bù rời xa đất mẹ, ngược xuôi khắp chốn thị thành, phục vụ bà con xa quê và cả những vị khách muốn thưởng thức hương vị của một loại trái cây rất riêng biệt.