Hoan nghênh thỏa thuận, song cộng đồng quốc tế vẫn cảnh báo đây chỉ là biện pháp tạm thời, việc thương lượng cần được thúc đẩy hơn nữa, nhằm tìm giải pháp toàn diện và bền vững cho xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine.
Dự kiến, trong vài ngày tới, Ngoại trưởng Mỹ Blinken sẽ có chuyến thăm Trung Đông, sẽ gặp những người đồng cấp Palestine, Israel và các quốc gia trong khu vực để trao đổi về “các nỗ lực cứu trợ và cùng nhau xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho người Palestine và Israel”. Với những động thái tích cực từ các bên trong những ngày qua, liệu “chảo lửa” Trung Đông đã hạ nhiệt?
Cảnh sát Israel và người dân Palestine đụng độ tại khu vực nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem. Ảnh: AFP
Động thái gỡ nút thắt này của các bên
Thỏa thuận ngừng bắn là kịp thời dù các bên đã bị tổn thất nặng nề về người, cơ sở hạ tầng hay kinh tế. Cũng như các cuộc xung đột trước đây giữa hai bên, trung gian Ai Cập và Mỹ luôn là người thành công. Bởi Ai Cập có quan hệ tốt với chính quyền và các phong trào vũ trang ở Palestine cũng như là nước Arab sớm bình thường hóa quan hệ với Israel trong khi Mỹ vừa là đồng minh vừa là người đảm bảo an ninh phía cho Israel.
Đây có thể nói là thành quả của những nỗ lực ngoại giao không ngừng của Ai Cập nói riêng. Ai Cập đã cử ngay hai phái đoàn giam sát các bên thực hiện lệnh ngừng bắn đồng thời tiếp tục nỗ lực để đạt được sự ổn định lâu dài. Ai Cập cũng khẳng định cần tìm ra một giải pháp công bằng cho vấn đề Palestine trong đó có việc thành lập một nhà nước Palestine phù hợp với các nghị quyết hợp pháp quốc tế. Những nỗ lực này của Ai Cập vì lo ngại tình hình nhân đạo của Gaza và Gaza được ổn định sẽ đến sự ổn định ở Sinai Ai Cập, cũng như an ninh khu vực.
Ngoài ra, cuộc chiến cũng bị dư luận khu vực và quốc tế mạnh mẽ lên án khi tính mạng của nhiều người dân hai bên bị đe dọa, an ninh khu vực bị ảnh hưởng. Sức ép của dư luận cũng khiến cho lệnh ngừng bắn sớm đạt được. Bên cạnh đó, Israel trong thời gian ngắn cũng cho rằng đã gần đạt được các mục tiêu đề ra như phá hủy các mục tiêu của Hamas, tạo sự răn đe, hạn chế khả năng phản kháng của Hamas.v.v… Thứ hai, cho dù Israel có đổ bộ vào Gaza như năm 2014 cũng khó có thể đạt được mục tiêu trong khi rui ro cao và tổn thất lớn.
Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất ổn này
Xung đột Israel-Palestine đã bùng phát từ nhiều thập kỷ liên quan tới vẫn đề tôn giáo, đất đai. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng bất ổn và xung đột này được cho là do sự chiếm đóng của Israel với các vùng đất của Palestine. Theo Ủy ban Liên Hợp Quốc về Thực thi các Quyền bất khả xâm phạm của Người dân Palestine thì Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an đưa ra năm 1967 sau cuộc chiến tranh 6 ngày hơn 45 năm qua chưa được thực hiện là nguyên nhân sâu xa của xung đột Arab-Israel.
Theo nghị quyết Israel phải rút các lực lượng khỏi những vùng đất mà họ đã chiếm đóng trong cuộc xung đột và cần thiết phải đạt được một giải pháp công bằng cho vấn đề người tị nạn vẫn chưa được thực hiện. Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem vẫn bị chiếm đóng và người dân Palestine vẫn bị tước đoạt quyền tự quyết và quyền dân tộc của họ. Nghị quyết cũng yêu cầu chấm dứt mọi khiếu nại, tình trạng nguy kịch, tôn trọng và công nhận chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự độc lập chính trị của mọi quốc gia trong khu vực và quyền sống hòa bình trong phạm vi an toàn và được công nhận không bị đe doạ hoặc hành động ép buộc.
Nghị quyết 242 tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán sau đó giữa các bên. Tuy nhiên, trong hàng chục năm qua, nhiều cuộc hòa đàm diễn ra giữa Israel và Palestine nhưng vẫn chưa thể đạt được một nền hòa bình lâu dài. Các vấn đề cốt lõi của xung đột vẫn chưa được giải quyết trong khi khu vực đầy những bất ổn và mâu thuẫn Israel - Palestine bị kích động, lợi dụng cho các mục đích chính trị. Ngay trong nội bộ các bên cũng có những quan điểm trái ngược nhau càng khiến cho việc hòa giải khó thành.
Vai trò của các nước trung gian hòa giải
Lệnh ngừng bắn vừa qua nhằm hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo và đó chỉ là lệnh ngừng bắn tạm thời, xung đột có thể bùng phát bất cứ lúc nào, với bất cứ lý do gì hoặc một sự kích động nào đó có thể là chủ quan hoặc khách quan. Nếu các phe phái vũ trang ở Gaza gọi lệnh ngừng bắn này là chiến thắng thì nhiều đảng phái ở Israel lại gọi đây là sự thất bại của Thủ tướng Netanyahu khi không gây áp lực hoặc đánh đòn ác liệt mang tính răn đe với Hamas và các phong trào vũ trang ở Gaza. Điều đó cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết giữa hai bên và ngay cả trong nội bộ mỗi bên.
Nhiều chuyên gia cho rằng một số quốc gia đã lợi dụng để khai thác những mẫu thuẫn giữa hai bên nhằm đạt được tham vọng chính trị và tạo ra các khu vực hiện diện, ảnh hưởng trong khu vực hoặc lấy lý do viện trợ nhân đạo để đưa vũ khí vào Gaza nhằm gây căng thẳng, bất ổn và bóp méo vấn đề Palestine khiến cho khu vực trong nhiều năm qua luôn bất ổn và phải chịu những hậu quả.
Xung đột Hamas, Israel hay tiến trình hòa bình Trung Đông rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, tổ chức quốc tế, các cường quốc và các nước bảo trợ, có ảnh hưởng ở khu vực như Nga, Mỹ.
Ai Cập hay Mỹ đóng vai trò rất quan trọng và tích cực cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông, cũng như an ninh và ổn định của toàn khu vực. Ai Cập được đánh giá có vai trò nòng cốt cho trụ cột của an ninh và ổn định ở Trung Đông. Mỹ với vai trò là đồng minh đảm bảo an ninh cho Israel có những ảnh hưởng và tiếng nói lớn trong khu vực.
Tuy nhiên, tiến trình hòa bình Trung Đông thực sự là một quá trình lâu dài bởi những mâu thuẫn mang tính lịch sử giữa hai bên cần được giải quyết công bằng, hợp pháp mà trên hết là giải pháp hai nhà nước độc lập, chung sống bên cạnh nhau trong hòa bình là mục tiêu cuối cùng. Mặc dù vậy, khu vực này hay tiến trình hòa bình cũng luôn chịu nhiều tác động khác đan xen, nhiều toan tính chính trị cũng như thường xuyên bị các nhóm cực đoan kích động, khủng bố, khiến cho chảo lửa Trung Đông luôn nóng/.