Khoan giếng mùa nắng hạn ở Hà Tĩnh: Nghề không dễ “ăn”

(Baohatinh.vn) - Nắng gay gắt kéo dài khiến nhu cầu nước sinh hoạt ở các vùng miền núi của Hà Tĩnh tăng cao. Vì thế, mùa này, nghề khoan giếng làm không hết việc.

Nhu cầu tăng cao

Nhiều năm liền chật vật sinh hoạt trong cảnh thiếu nước vào mùa hè, năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hà (thôn 2, xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) quyết định tìm thợ khoan giếng.

Bà Hà cho biết: “Cứ đến hè là nguồn nước bị nhiễm phèn và khan hiếm, không đủ cho gia đình sử dụng. Tôi tìm thợ khoan giếng từ đầu tháng 4, nhưng đến thời điểm này mới có người nhận. Riêng trên địa bàn xã, hè này đã có khoảng 20 hộ khoan giếng. Thợ đang khoan cho nhà tôi thì nhà khác đã đến chờ sẵn”.

Khoan giếng mùa nắng hạn ở Hà Tĩnh: Nghề không dễ “ăn”

Dù trưa đứng bóng nhưng tốp thợ khoan giếng của anh Lê Văn Oanh vẫn không ngơi tay

Nhu cầu của người dân tăng cao nên “cánh” thợ khoan cũng không ngơi tay. Giữa trưa đứng bóng, nhóm thợ khoan giếng của anh Lê Văn Oanh (xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh) vẫn hì hục với từng mũi khoan tìm nước. Theo tốp thợ của anh Oanh, từ đầu tháng 4 đến nay, họ không có ngày nghỉ. Thậm chí, có những lúc công việc kéo dài sang buổi đêm để kịp tiến độ.

“Khách hàng của chúng tôi tập trung chủ yếu ở các xã: Kỳ Văn, Kỳ Tây, Kỳ Trung, Lâm Hợp… của huyện Kỳ Anh. Vùng này cứ đến hè là thiếu nước sinh hoạt. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã khoan giếng cho hơn 100 hộ trên địa bàn huyện Kỳ Anh” - anh Lê Văn Oanh cho biết.

Khoan giếng mùa nắng hạn ở Hà Tĩnh: Nghề không dễ “ăn”

Nhu cầu tăng cao, chủ giàn khoan đầu tư thêm máy nén khí khoan giếng

Để đáp ứng nhu cầu khoan giếng ngày càng cao của bà con, anh Lê Văn Oanh đã đầu tư dàn máy nén khí hơn 1 tỷ đồng để phục vụ cho công việc.

Với mỗi hợp đồng khoan giếng, anh Oanh lấy giá khoảng 15 triệu đồng. Hợp đồng ký là thế nhưng không phải khi nào cũng thành công vì không có nước. Bởi vậy, nghề này cũng không “dễ ăn”.

Nghề không “dễ ăn”

Khoan giếng mùa nắng hạn ở Hà Tĩnh: Nghề không dễ “ăn”

Khoan giếng là một nghề vất vả...

Chị Phan Thị Lan – chủ một giàn khoan giếng ở huyện Kỳ Anh cho biết: “Làm nghề này buồn nhất là khoan mà không có nước. Lúc đó, chủ nhà, thợ và chủ giàn khoan đều không vui. Chủ nhà hỗ trợ tiền dầu cũng thấy tiếc mà mình lấy tiền của người ta cũng ngại”.

Có những khi, giàn khoan của chị Phan Thị Lan hoạt động 3 – 4 ngày liên tục vẫn không tìm ra mạch nước ngầm. Dù rất muốn hoàn thành hợp đồng, đưa nước về cho khách hàng nhưng tốp thợ đành bất lực bỏ cuộc và chỉ nhận hỗ trợ tiền dầu.

Khoan giếng mùa nắng hạn ở Hà Tĩnh: Nghề không dễ “ăn”

...nhưng cũng đầy ý nghĩa khi đem về nguồn nước cho bà con giữa mùa khô hạn

“Những năm gần đây, do vào mùa khô mạch nước ngầm hạ xuống rất thấp nên nhiều chủ giàn khoan đối diện với nguy cơ vỡ hợp đồng.

Có khi trong cùng một khu dân cư, chỉ cách có bờ rào mà khoan nhà này có nước, còn nhà kia thì không” – chị Phan Thị Lan cho hay.

Khoan giếng mùa nắng hạn ở Hà Tĩnh: Nghề không dễ “ăn”

Có những mũi khoan sâu trên 60 m nhưng không gặp mạch nước ngầm

Hợp đồng quy định, mũi khoan phải gặp mạch nước và bơm trong vòng 24h mà không hết nước; phải khắc phục sửa chữa, thay thế các thiết bị hư hỏng trong thời gian bảo hành 12 tháng. Ngoài ra, trong thời gian bảo hành nếu giếng hết nước thì chủ giàn phải khoan lại giếng khác, chủ nhà chỉ hỗ trợ thêm tiền dầu và công. Với những điều khoản cụ thể như vậy nên nếu khoan không có nước thì chủ giàn sẽ lỗ vốn.

Theo những người trong nghề, tỷ lệ không thành công chiếm khoảng 1/3. Bởi vậy, nghề khoan giếng thực sự là nghề không “dễ ăn”. Đấy là chưa kể những bất trắc, chấn thương có thể xảy ra trong quá trình vận hành máy khoan giếng.

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.