Phiếu thu tiền đặt cọc của lao động do Công ty TNHH Xúc tiến việc làm Hải Thơm lập (phiếu thu tiền do lao động cung cấp)
Báo Hà Tĩnh nhận được đơn tố cáo của các anh: Phan Thanh Quang (trú tại xã Bình Lộc, Lộc Hà), Đặng Hữu Doanh (trú tại xã Thạch Tiến, Thạch Hà) và Lê Việt Hùng (phường Kỳ Long, TX Kỳ Anh) về việc Công ty TNHH Xúc tiến việc làm Hải Thơm (Công ty Hải Thơm) có địa chỉ tại khách sạn Forlove (tổ dân phố Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh), do bà Nguyễn Thị Hồng Thơm làm đại diện pháp luật, nhận hồ sơ và thu tiền để đưa đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hà Lan.
Khi phát hiện đơn hàng đi XKLĐ tại Hà Lan không hợp pháp, các anh: Quang, Doanh, Hùng đã nhiều lần tìm đến Công ty Hải Thơm và gặp bà Thơm để lấy lại số tiền đã đặt cọc trước đó thì không được giải quyết.
Anh Phan Thanh Quang cho biết: Vào khoảng tháng 7/2019, trên facebook của bà Nguyễn Thị Hồng Thơm (facebook có tên: Hồng Thơm) có đăng bài tuyển dụng đơn hàng đi lao động ở Hà Lan với mức lương 3.000 USD. Theo đó, anh Quang đã liên lạc gặp bà Thơm để được tư vấn, nộp hồ sơ.
Sau khi nhận hồ sơ, bà Thơm thu tiền đặt cọc 20 triệu đồng (anh Quang nộp tiền mặt cho bà Thơm 5 triệu đồng và chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho bà Thơm 15 triệu đồng).
Cùng tham gia để được tư vấn và nộp tiền đặt cọc đi XKLĐ theo đơn hàng tuyển dụng đi Hà Lan làm việc với anh Quang còn có 2 người là: Đặng Hữu Doanh, Lê Việt Hùng. Bà Thơm thu của mỗi người 20 triệu đồng tiền đặt cọc.
Trên "facebook Hồng Thơm” đăng nhiều thông tin tuyển dụng lao động đi làm việc ở các thị trường... (Ảnh chụp màn hình facebook có tên “Hồng Thơm”)
Tuy nhiên, sau 3 tháng nộp hồ sơ, đặt cọc tiền, khi đi làm visa để đi Hà Lan làm việc thì các anh Quang, Doanh, Hùng được biết đây là visa du lịch, không sử dụng để đi làm việc tại Hà Lan.
“Chương trình đưa người đi làm việc tại Hà Lan là trái quy định, bị pháp luật nghiêm cấm nên tôi và anh Doanh, anh Hùng đã tới gặp bà Thơm để xin lại hồ sơ, số tiền đã đặt cọc. Sau nhiều lần đến trụ sở Công ty Hải Thơm (khách sạn Forlove) gặp bà Thơm để đề nghị giải quyết, đến nay, bà này mới trả lại tiền cho tôi 13 triệu đồng”, anh Phan Thanh Quang bức xúc cho biết.
Khách sạn Forlove (tổ dân phố Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh) là nơi đặt trụ sở Công ty TNHH xúc tiến việc làm Hải Thơm.
Tìm hiểu thực tế, tại khách sạn Forlove ở phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh còn có treo biển “xuất khẩu lao động”. Trên phiếu thu tiền của một số lao động có ghi rõ “Công ty TNHH Xúc tiến việc làm Hải Thơm” và địa chỉ “Khách sạn Forlove, phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh", nhưng khi trao đổi với chúng tôi, bà Thơm nói: “Doanh nghiệp của chúng tôi đóng ở Hà Nội còn ở TX Kỳ Anh không hoạt động nữa vì làm ăn kém quá, hiện chỉ còn 1 nhân viên nhưng đang nghỉ việc do con ốm”.
“Việc sử dụng biển hiệu và biên lai thu tiền của người lao động như phản ánh là để tiện cho người lao động giao dịch, vì khách sạn (khách sạn Forlove - PV) này là của gia đình. Bố mẹ và người thân của tôi cũng đang sinh sống tại đây”, bà Thơm biện hộ.
Biển “Xuất khẩu lao động” được treo ở mặt tiền khách sạn Forlove
Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, đến thời điểm này, Công ty TNHH Xúc tiến việc làm Hải Thơm chưa có công văn xin cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm và chưa được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm theo Nghị định số 52/2014/NĐ-CP ngày 23/5/2014 của Chính phủ về quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
Vì vậy, Công ty Hải Thơm tổ chức hoạt động tư vấn, cung ứng lao động đi XKLĐ là trái quy định của pháp luật. Hiện, Sở LĐ-TB&XH đã đưa công ty này vào danh sách, kế hoạch thanh tra trong thời gian tới.