Kinh nghiệm huy động nguồn lực xây dựng NTM nâng cao ở xã ven biển phía Nam

(Baohatinh.vn) - Xuất phát điểm nhiều khó khăn, để trở thành NTM nâng cao đầu tiên của TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Kỳ Ninh đã phải nỗ lực, sáng tạo trong huy động sức dân.

Năm 2021, chính quyền, Nhân dân Kỳ Ninh bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao. Thời điểm đó, xã gặp rất nhiều khó khăn do hạ tầng chưa đồng bộ, một số thôn dân cư ít, trong khi địa giới quá rộng, dẫn đến khó khăn trong huy động nguồn lực xây dựng giao thông nông thôn (GTNT).

Bên cạnh đó, xuất phát điểm xã mới đạt 2/7 tiêu chí (Theo Quyết định số 29/2019/QĐ-UBND ngày 22/5/2019 của UBND tỉnh về bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2019 - 2020) vì vậy “khó chồng thêm khó”.

Nhờ có NTM, diện mạo Kỳ Ninh đã thay đổi rõ rệt.

Ông Hoàng Trung Thông - Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết: “Bước đầu triển khai, xã xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình tổ chức thực hiện từng tiêu chí. Xã lấy cán bộ, đảng viên làm nòng cốt, phân công nhiệm cụ thể cho các đồng chí phụ trách từng tiêu chí.

Hằng tuần, hằng tháng đều kiểm tra, đôn đốc thông qua hội nghị giao ban đầu tuần, hội nghị kiểm điểm đánh giá. Bên cạnh đó, qua 3 đợt cao điểm ra quân xây dựng NTM nâng cao, cả hệ thống chính trị cùng giúp các thôn hoàn thành những tiêu chí khó với phương châm: thôn đạt rồi hỗ trợ thôn chưa đạt không chỉ về kinh nghiệm mà còn sức người, sức của”.

Kỳ Ninh lấy cán bộ, đảng viên làm nòng cốt, phân công nhiệm cụ thể cho các đồng chí phụ trách từng tiêu chí.

Với quan điểm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, Kỳ Ninh đã xã hội hóa các nguồn lực, vận động sự đóng góp của Nhân dân, doanh nghiệp, con em địa phương xa quê thành đạt... để hoàn thành các tiêu chí.

Cùng với đó, xã cũng có cách làm sáng tạo trong việc huy động nguồn lực từ Nhân dân. Điển hình như làm đường điện thắp sáng, giữa các tổ tự quản sẽ tự họp bàn với nhau về việc xây dựng. Trên cơ sở đó, các thôn, tổ tự quản chủ động lên dự toán, thống nhất mức đóng góp rồi tiến hành triển khai. Có thể nói, giữa các thôn, tổ tự quản đã phát huy khá tốt tính dân chủ, sự chủ động.

Người dân thôn Tân Thắng ra quân làm đường GTNT (Ảnh tư liệu).

Ông Hoàng Quốc Cảnh - Thôn trưởng thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh vui mừng chia sẻ: “Giờ đây, 100% đường thôn Tam Hải 2 đã được bê tông hóa; cơ sở vật chất, đời sống Nhân dân được nâng lên, tình làng nghĩa xóm được gắn kết, thắt chặt. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế giỏi, nâng thu nhập bình quân toàn thôn đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.

Khi triển khai làm đường giao thông, thôn đã nắm rõ mức hỗ trợ của Nhà nước, từ đó huy động mức đóng góp của Nhân dân. Kết quả, người dân đóng góp trên 4.000 ngày công và hơn 500 triệu đồng... Đến nay, 100% đường trục thôn, ngõ, xóm đã được đổ bê tông kiên cố”.

Bà con thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh xây dựng bồn hoa tại đường trục thôn. Ảnh tư liệu

Ông Mai Văn Biền (68 tuổi, thôn Tân Thắng) là người hiến hơn 50 m2 đất ở, hàng chục mét hàng rào, cây xanh các loại để làm đường giao thông nông thôn. Ông Biền chia sẻ: “Trước đây, đường hẹp, đi lại khó khăn. Khi có chủ trương làm đường, gia đình tự nguyện hiến đất, san nền, đổ bê tông. Giờ đây, đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, sạch sẽ, đi lại rất thuận tiện, chúng tôi rất phấn khởi”.

Không chỉ với Tam Hải 2 mà 8 thôn còn lại trên địa bàn xã đã vận dụng nhiều cách làm hay để xây dựng Kỳ Ninh đạt NTM nâng cao. Sau 1 năm triển khai, Kỳ Ninh đã huy động được gần 15 tỷ đồng từ các nguồn: người dân hiến 1.000m tường rào, hơn 2.500 m2 đất trồng cây lâu năm, hơn 3.000 cây các loại; đóng góp hơn 10.000 ngày công…

Trên cơ sở nguồn lực huy động được, xã đã hoàn thành đổ bê tông gần 9.000m đường giao thông, mở rộng 8.000m đường trục thôn, xây dựng hơn 6.000m rãnh thoát nước, làm mới 3,2km đường điện thắp sáng; hỗ trợ xây dựng 7 vườn mẫu, 12 mô hình kinh tế cho thu nhập 250-500 triệu đồng/năm.

Lãnh đạo xã Kỳ Ninh trao đổi với người dân thôn Vĩnh Thuận về việc chọn giống cây ăn quả làm vườn mẫu.

“Quả ngọt” NTM hôm nay là kết quả của sự miệt mài, tận tuỵ ở từng người cán bộ và đặc biệt là sự tự nguyện, chung sức của Nhân dân vì mục tiêu chung.

Phát huy kết quả đạt được, Kỳ Ninh đang tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí, hướng đến mục tiêu trở thành phường vào năm 2023.

Lãnh đạo thị xã Kỳ Anh kiểm tra vườn mẫu của gia đình anh Phạm Tuân ở thôn Vĩnh Thuận

Qua quá trình triển khai xây dựng NTM nâng cao tại Kỳ Ninh, có thể rút ra các bài học chính: Sự chủ động trong xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình thực hiện cụ thể; phân công cán bộ phụ trách, sâu sát cơ sở, chỉ đạo cách làm linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa bàn; tạo sự đồng thuận cao giữa của cấp ủy, chính quyền và người dân; sáng tạo, kiên trì trong vận động, huy động nguồn lực từ Nhân dân. Đây cũng là bài học kinh nghiệm hay để các địa phương khác tham khảo, vận dụng vào quá trình thực hiện xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Văn Chung

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói