Đưa “vị biển” Lộc Hà vào sản phẩm OCOP

(Baohatinh.vn) - Huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã tập trung phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ... để phát triển nhiều sản phẩm OCOP mang đậm hương vị, bản sắc vùng quê biển.

Đưa “vị biển” Lộc Hà vào sản phẩm OCOP

Mực khô Ngọc Diệp là sản phẩm OCOP tiêu biểu, mang đậm hương vị của quê biển Lộc Hà.

Là một trong những sản phẩm đầu tiên được công nhận đạt chuẩn 3 sao, mực khô Ngọc Diệp (thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim) được xem là sản phẩm thành công nhất trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm ở Lộc Hà xét cả về khía cạnh thương hiệu, thị trường lẫn chất lượng, lợi nhuận.

Trước đây, mỗi năm, bình quân cơ sở này chỉ sản xuất khoảng 600 kg mực khô thành phẩm, cho doanh thu trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận 240-270 triệu đồng thì sau khi đạt chuẩn OCOP (năm 2020) tình hình đã thay đổi hẳn. Nhờ mở rộng sản xuất, đầu tư mua sắm trang thiết bị, tăng cường liên kết trong sản xuất, được thị trường tin dùng, mỗi năm, sản lượng đã đạt 4 tấn, lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng.

Video về sản phẩm mực khô Ngọc Diệp.

Chị Nguyễn Thị Trung (chủ cơ sở mực Ngọc Diệp) cho chia sẻ: “Với lợi thế về nguyên liệu và kinh nghiệm của làng nghề truyền thống, năm 2015, chúng tôi đã chuyển đổi từ nghề đi biển và buôn bán nhỏ sang chế biến, kinh doanh mực khô. Để sản phẩm chất lượng, có độ dày, tươi ngon, hương vị đậm đà, chúng tôi đã liên kết với nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ để lựa chọn những con mực tươi sống, kích cỡ lớn, sơ chế và phơi ngay trên thuyền khi mới đánh bắt được, không sử dụng hóa chất hay phẩm màu tẩm ướp.

Đối với những loại thu mua về chế biến tại khu vực sản xuất, chúng tôi tiến hành sẻ lấy nội tạng, rửa sạch bằng nước biển nhiều lần, đưa lên giàn phơi ngoài trời ở nhiệt độ từ 34 - 38 độ, khi mực chuyển sang màu vàng thì được đóng gói cấp đông, dán tem nhãn bán ra thị trường. Hiện nay, sản phẩm của chúng tôi có mặt khắp trong tỉnh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, thậm chí gửi sang cả nước ngoài để làm quà”.

Đưa “vị biển” Lộc Hà vào sản phẩm OCOP

Cơ sở sản xuất nước mắm sành của chị Phan Thị Mai (thứ 2 từ trái qua phải) đang gấp rút hoàn tất thủ tục để được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Phạm Duy Khánh cho biết: “Với lợi thế có đội tàu bám biển vươn khơi đông, bà con kinh nghiệm trong chế biến, được tiếp cận các nguồn vốn sản xuất và được động viên, khuyến khích nên xã chúng tôi là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất huyện. Hiện nay, ngoài mực khô Ngọc Diệp, chúng tôi còn có nước mắm Bồ Lô, nước nắm Nga Sơn, nước mắm Đồng Châu, ruốc kem Hương Xuân đã đạt OCOP 3 sao; mực một nắng Bích Lan và một số sản phẩm khác đang chờ quyết định công nhận.

Để phát triển lĩnh vực chế biến gắn với ổn định thị trường nguyên liệu, giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống cho người dân và đưa hương vị biển quê hương lan toả, thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng có thêm 1 – 2 sản phẩm OCOP đạt chuẩn/năm và chú trọng “nâng chất” các sản phẩm để đạt 4 sao gắn với xây dựng thương hiệu tập thể cho các loại hải sản...”.

Đưa “vị biển” Lộc Hà vào sản phẩm OCOP

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư HT sản xuất “Mắm tôm làng xưa”.

Là sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường (đầu năm 2022) nhưng sản phẩm “Mắm tôm làng xưa” ở thôn Đông Thắng (xã Mai Phụ) đã để lại dấu ấn trên thị trường, nhất là khi được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cách đây hơn 2 tháng.

Sau khi được công nhận đạt chuẩn, sản phẩm này đã được thị trường tin dùng hơn và sản lượng tiêu thụ tăng 30% so với trước, nhất là ở thị trường Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Thái Bình... Dự kiến, năm nay, Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư HT sẽ sản xuất và tiêu thụ được khoảng 30 tấn sản phẩm OCOP này (nhiều hơn năm ngoái 10 tấn), có lợi nhuận gần 300 triệu đồng.

Chị Lê Thị Thơ - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư HT chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp giữa kinh nghiệm, bí quyết với ứng dụng KHKT để sản xuất sản phẩm “Mắm tôm làng xưa” theo quy trình 5 bước (tiếp nhận nguyên liệu tép biển và muối trắng; sơ chế tép biển; trộn đều nguyên liệu tép biển, muối, xay nhuyễn rồi cho vào chum sành; các nguyên liệu được lên men bằng cách phơi nắng khoảng 3 tháng và thường xuyên khuấy đảo; đóng chai thành phẩm và tiêu thụ).

Quá trình đưa sản phẩm đến người tiêu dùng sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tiếp nhận và phản hồi thông tin góp ý của khách hàng..."

Đưa “vị biển” Lộc Hà vào sản phẩm OCOP

“Mắm tôm làng xưa” là sản phẩm thơm ngon, chất lượng, mang đậm hương vị biển và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh hải sản ở Lộc Hà đã chủ động tìm tòi, sáng tạo, tiếp cận quỹ đất, huy động nguồn lực đầu tư để xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng vùng miền.

Ngoài những sản phẩm đã khẳng định thương hiệu, vị thế trên thị trường tiêu dùng, trên địa bàn đang tiếp tục có nhiều sản phẩm khác được xây dựng mới, nhất là những loại nhạy cảm về nguồn gốc, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Video quy trình sản xuất nước mắm OCOP 3 sao của cơ sở Tâm Loan (tổ dân phố Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà).

Ông Phan Bá Ninh – Cán bộ Văn phòng NTM huyện Lộc Hà cho biết: “Trên địa bàn huyện Lộc Hà hiện có 7 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ hải sản (Thạch Kim 5 sản phẩm, Mai Phụ 1 sản phẩm, thị trấn Lộc Hà 1 sản phẩm) và một số sản phẩm khác đang làm hồ sơ thủ thủ, chờ được công nhận.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng cấp ủy, chính quyền địa phương (Thạch Kim, thị trấn Lộc Hà, Thạch Châu, Mai Phụ, Hộ Độ, Thịnh Lộc) vận động, khuyến khích, đôn đốc bà con vùng ven biển tiếp tục đầu tư hạ tầng sản xuất, mua sắm máy móc hiện đại, xây dựng quy trình đảm bảo để hướng tới mỗi năm có thêm 2 – 3 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ hải sản. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ khuyến khích các cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt chuẩn đầu tư thêm để “nâng tầm” thành 4 sao".

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast