Ngọc Bội (xã Hương Trạch) là một trong những thôn có diện tích sản xuất bưởi đặc sản Phúc Trạch lớn nhất ở huyện Hương Khê. Tháng 12/2021, 19 hộ nông dân thôn Ngọc Bội cùng nhau liên kết và thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng bưởi Phúc Trạch. Quá trình hoạt động, tổ hội phát huy hiệu quả “sứ mệnh” tập hợp nông dân trồng bưởi để sinh hoạt, trao đổi ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất.
Tổ hội nghề nghiệp trồng bưởi Phúc Trạch được phát triển thành chi hội số, đáp ứng quá trình phát triển.
Các kỹ thuật chăm sóc vườn bưởi như chọn giống, làm đất, chăm sóc, bón phân, phòng trị sâu bệnh... được bà con học hỏi, trao đổi thường xuyên... Đặc biệt là việc kết hợp giữa kinh nghiệm và công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm ngon, mẫu mã đẹp, an toàn. Nhiều hội viên đã vươn lên làm giàu, có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây bưởi.
Để phù hợp với sự phát triển của nền nông nghiệp kinh tế số, đầu mùa thu hoạch năm 2023, tổ hội phát triển thành Chi hội số thôn Ngọc Bội. Ông Phan Xuân Hiến – Chi hội trưởng Chi hội số Ngọc Bội chia sẻ: “Chi hội được hình thành với mục tiêu xây dựng người nông dân thời đại mới. Trong đó tập trung sản xuất bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu thụ thuận lợi qua thương mại điện tử để nâng cao giá trị. Khi thành lập, các thành viên cũng đã đóng góp quỹ với mục đích hỗ trợ các hội viên khó khăn hơn phát triển sản xuất”.
Quá trình sinh hoạt chi hội được số hóa.
Vụ sản xuất năm 2023, toàn chi hội có 15,1 ha bưởi Phúc Trạch, trong đó 11,6 ha cho thu hoạch, năng suất khoảng 11,2 tấn/ha, sản lượng 174 tấn, ước tính thu nhập đạt 3,48 tỷ đồng (trung bình 128,9 triệu đồng/hộ). Ngay từ khi bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, chi hội đã tổ chức họp toàn thể hội viên, đánh giá năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Từ đó có cơ sở đánh giá thị trường, xác định mức giá và xúc tiến kết nối đầu ra cho sản phẩm.
Nếu như trước đây các hộ dân bán sản phẩm cho thương lái bằng hình thức bán sỉ cả vườn thì năm nay có 22/26 hội viên đã biết chuyển đổi, quảng bá sản phẩm trên nền tảng số để tiêu thụ bưởi.
Ông Phan Xuân Hiến sử dụng điện thoại thông minh để chụp ảnh, quay phim sản phẩm và quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội.
Ông Phan Xuân Hiến chia sẻ thêm, riêng gia đình tôi năm nay có hơn 9.000 quả bưởi thì hơn 8.000 quả đã được tiêu thụ qua việc kết nối, quảng bá trên mạng xã hội. Phần lớn các hội viên khác cũng có tỷ lệ tiêu thụ trên kênh thương mại điện tử hơn 70%.
Đặc biệt, Chi hội số Ngọc Bội đã được tổ chức GIZ của Đức phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT) tổ chức các đợt tập huấn về kĩ thuật chăm sóc cây bưởi; quy trình sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ, các bước thực hiện ủ phân, phòng chống sâu bệnh theo phương pháp sử dụng các nguồn nguyên liệu tự nhiên, không dùng các sản phẩm hóa chất; thực hiện cập nhật quy trình sản xuất trên ứng dụng “Bưởi Phúc Trạch”. Trong tháng 9 vừa qua, 11 hội viên trong chi hội đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC CGLOBRAL (Hà Nội) trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ năm thứ nhất (diện tích 4 ha).
Sở NN&PTNNT, Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC CGLOBRAL trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ năm thứ nhất cho một số hộ dân trong Chi hội số Ngọc Bội.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê Đinh Công Tịu cho biết: Mặc dù mới được hình thành nhưng với tiền đề có sẵn từ tổ hội nghề nghiệp, Chi hội số Ngọc Bội đã hoạt động khá hiệu quả. Việc ra đời và quá trình hoạt động của chi hội đã và đang từng bước làm thay đổi cách làm việc của nông dân từ truyền thống sang hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ số, ứng dụng các hệ thống thông tin, phần mềm để quảng bá sản phẩm đặc sản bưởi Phúc Trạch đi khắp mọi miền.
Mô hình là một trong những điểm sáng của địa phương trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cũng như thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu...