Trực cống, vận hành tiêu thoát chủ động trong mưa lớn tại TP Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - TP. Hà Tĩnh đã bố trí lực lượng trực vận hành các cống tiêu thoát lũ, xây dựng kịch bản ứng phó nhanh nhất với diễn biến mưa lũ phức tạp.

Trực cống, vận hành tiêu thoát chủ động trong mưa lớn tại TP Hà Tĩnh

Trong những ngày qua, TP Hà Tĩnh xuất hiện các đợt mưa lớn.

Năm 2020, TP Hà Tĩnh là một trong 3 địa phương (cùng với Thạch Hà và Cẩm Xuyên) chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ. 15/15 phường, xã bị ngập, toàn bộ hệ thống tiêu thoát úng trên địa bàn bị vô hiệu hóa vì lượng mưa quá lớn và dồn dập.

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, bắt đầu từ đêm 23/9, trên địa bàn thành phố đã có những đợt mưa lớn. Dù diễn biến mưa chưa liên tục song dự báo thời tiết trong những ngày tới vẫn đặt ra nguy cơ ngập lụt ở TP Hà Tĩnh.

Trực cống, vận hành tiêu thoát chủ động trong mưa lớn tại TP Hà Tĩnh

Công nhân Chi nhánh Quản lý hạ tầng xây lắp thường xuyên có mặt tại cống trên sông Cụt để theo dõi triều cường và vận hành điều tiết.

Ông Lê Quang Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Trước mùa mưa bão, thành phố đã cho kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn; nạo vét, khơi thông dòng chảy; xử lý những điểm tắc nghẽn. Cùng với đó, thành phố cũng xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống bão lụt chi tiết. Hiện, tất cả các cống và tuyến/nhánh thoát nước đều được bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó với các tình huống để giảm thiểu thiệt hại khi mưa lớn. Trong những ngày qua, mặc dù trên địa bàn xuất hiện những đợt mưa khá lớn, song tình trạng đọng nước, ngập úng ở các vị trí xung yếu đã cơ bản được giải quyết”.

Toàn thành phố hiện có 34 hệ thống cống tiêu thoát lũ cho các tuyến, nhánh, hệ thống mương thoát nước trên địa bàn. Công tác ứng phó với hoàn lưu bão số 6, việc theo dõi mực nước của từng đợt mưa, từ đó vận hành hệ thống tiêu thoát nước đã được giao cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị phụ trách. Phòng Quản lý đô thị chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu và tham mưu UBND thành phố phương án thoát nước trong các trường hợp cụ thể; đồng thời chỉ đạo khắc phục tình trạng ngập úng ở các địa phương.

Trực cống, vận hành tiêu thoát chủ động trong mưa lớn tại TP Hà Tĩnh

Cống ngăn triều trên sông Cụt được mở hết công suất để tiêu thoát nước cho khu vực nội thành.

Cống ngăn triều trên sông Cụt là hệ thống tiêu thoát lớn nhất của thành phố. Tranh thủ thời tiết chưa có nhiều đợt mưa, các cửa cống được mở tối đa, tháo nước ra ngoài.

Ông Nguyễn Đăng Khoa - Giám đốc Chi nhánh Quản lý hạ tầng xây lắp (Công ty CP Môi trường và Quản lý đô thị Hà Tĩnh) cho biết: “Đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin về triều cường để tranh thủ điều tiết mở cống tối đa, đưa mực nước trong cống về thấp nhất trước khi mưa lớn xảy ra. Chỉ trừ trường hợp triều cường lên cao, còn lại kể cả khi mưa lớn, cống vẫn sẽ được mở lớn nhất để tiêu thoát nước nhanh nhất cho khu vực nội thành”.

Trong khi đó, ở các địa phương, tất cả những điểm xung yếu được định vị và phân cử lực lượng để xử lý kịp thời các tình huống ách tắc, ngập úng cục bộ. Ông Dương Đình Phúc – Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du cho biết: “3 điểm sâu trũng, dễ xảy ra ngập úng nhất của phường ở các vị trí: đầu đường Nguyễn Du, đoạn giao nhau với đường Trần Phú và đoạn cuối giao với đường Nguyễn Công Trứ; tuyến mương T4 từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Trực cống, vận hành tiêu thoát chủ động trong mưa lớn tại TP Hà Tĩnh

Phường Hà Huy Tập huy động các lực lượng thu dọn rác, tạo lưu thông dòng chảy ở các hố thu nước trên địa bàn trước mưa lớn.

Hiện, chúng tôi đã bố trí các lực lượng công an, quân sự để giải quyết vấn đề ách tắc dòng chảy, phân luồng giao thông khi xảy ra ngập lụt; đồng thời công khai số điện thoại “nóng” để nhận thông tin kịp thời từ người dân”.

Cùng với đó, các địa phương cũng tổ chức vận động lực lượng tại tổ dân phố, hộ gia đình vớt rác tại các miệng hố thu nước trước nhà mình để đảm bảo tiêu thoát khi xảy ra mưa lớn.

Ghi nhận trong những ngày qua, TP Hà Tĩnh dù đã xuất hiện một số đợt mưa lớn, tuy nhiên trên địa bàn chỉ còn 2 điểm bị ách tắc cục bộ, khó lưu thông dòng chảy đó là khu vực ngã tư giao nhau giữa đường Nguyễn Công Trứ và đường Hải Thượng Lãn Ông; điểm trên đường Nguyễn Công Trứ, đoạn cạnh Trường THCS Lê Bình.

Trong điều kiện phức tạp của thời tiết, những giải pháp hiện nay mặc dù chưa thể đủ để “cắt” được gốc của tình trạng ngập lụt, tuy nhiên, điều này cũng góp phần giúp địa phương chủ động hơn trong công tác ứng phó thiên tai, giảm thiểu tình trạng ngập sâu, ngập lụt kéo dài.

Chủ đề PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast