Lao động Hà Tĩnh ở Nhật xoay xở ra sao khi đồng Yên “rớt” giá kỷ lục?

(Baohatinh.vn) - Việc đồng Yên Nhật tiếp tục “rớt” giá khiến lao động người Hà Tĩnh tại Nhật Bản phải xoay xở nhiều cách để vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Cuối năm 2020, anh Nguyễn Đắc Huy (30 tuổi, trú xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) sang Nhật Bản làm thực tập sinh ngành chế biến thực phẩm tại tỉnh Shizuoka với hy vọng có cuộc sống ổn định hơn.

Tại thời điểm sang Nhật Bản, mức lương của anh Huy khoảng 30 triệu đồng/tháng. Theo tính toán, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, trung bình mỗi tháng, anh sẽ gửi về cho gia đình được khoảng 20 triệu đồng và hơn 1 năm sẽ trả được hết số nợ gần 250 triệu đồng đã vay để lo chi phí sang Nhật.

Tuy nhiên, khi đi làm được một thời gian ngắn tại Nhật, số tiền tích góp chưa được bao nhiêu thì mọi tính toán của anh Huy đã “lệch quỹ đạo”. Đồng Yên liên tục mất giá khiến thu nhập của anh bị sụt giảm. Hiện tại, trung bình mỗi tháng, anh Huy nhận được khoảng 22 triệu đồng tiền lương, đã bao gồm tăng ca. Đồng Yên hiện tại chỉ còn khoảng 164 VNĐ (1 man = 10.000 Yên, 1 Yên = 164 VNĐ).

Lao động Hà Tĩnh ở Nhật xoay xở ra sao khi đồng Yên “rớt” giá kỷ lục?

Anh Huy sẽ chọn về nước sau khi kết thúc hợp đồng.

Anh Huy chia sẻ: “Thời điểm tôi vừa sang, đồng Yên còn khá cao nên thu nhập ổn định. Đến cuối năm 2022, đồng Yên giảm xuống còn 176 VNĐ và nay là 164 VNĐ. Việc đồng Yên liên tục mất giá khiến tôi lao đao, bởi phải mất gần 2 năm mới gom đủ tiền để trả nợ, trong khi đó, thời gian lao động của tôi tại Nhật chỉ khoảng 3 năm. Thế nên, sau 3 năm lao động tại Nhật, có khả năng tôi chỉ trả được tiền vay chứ không thể tích góp được nhiều vốn làm ăn như đã tính toán”.

Theo anh Huy, cuối năm nay anh sẽ hết hợp đồng và được gia hạn nhưng anh dự định sẽ về nước bởi với mức thu nhập hiện tại không quá chênh lệch so với trong nước. “Giờ đây, tôi phải chắt chiu hơn trong mọi mặt đời sống để có thêm tiền gửi về nhà. Muốn đi siêu thị cũng phải chờ lúc hàng có khuyến mãi giảm giá mới dám mua…” - anh Huy than thở.

Lao động Hà Tĩnh ở Nhật xoay xở ra sao khi đồng Yên “rớt” giá kỷ lục?

Chị Trần Thị Nga (27 tuổi, thị trấn Cẩm Xuyên) phải “thắt lưng buộc bụng” để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Đã có 7 năm làm công việc chế biến thực phẩm tại tỉnh Mie (Nhật Bản), tuy nhiên, theo chị Trần Thị Nga (27 tuổi, thị trấn Cẩm Xuyên), chưa năm nào lao động Việt Nam tại nước bạn lại chật vật như hiện tại.

Chị Nga chia sẻ: “Trước đây, cũng như nhiều bạn bè đồng trang lứa, chúng tôi đến nước Nhật lao động với mong muốn có thể tích góp được một số vốn để làm ăn. Khi mới sang đây, tôi làm nghề phụ bếp, thu nhập ổn định và có phần dư giả với mức lương khoảng 30 triệu đồng. Thế nhưng, trong 7 năm ở Nhật Bản thì đã có 2 năm dính dịch COVID-19. Khi hết dịch, chúng tôi được đi làm đều trở lại nhưng tiền gas, điện, thực phẩm… cũng leo thang, trong khi đó, đồng Yên lại giảm. Hiện tại, dù có thêm tiền tăng ca song mức thu nhập của tôi chỉ còn khoảng 20 triệu đồng/tháng”.

Lao động Hà Tĩnh ở Nhật xoay xở ra sao khi đồng Yên “rớt” giá kỷ lục?

Nhiều lao động làm việc tại Nhật Bản mong muốn đồng Yên sớm tăng giá trở lại.

Thời điểm này, chị Nga chọn cách cắt giảm tối đa chi phí thường ngày để tiết kiệm tiền. Theo đó, chị cùng các bạn cùng phòng nhắc nhở nhau tiết kiệm điện, nước, không mua thực phẩm lãng phí… để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hiện, chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản cũng đang ngày càng đắt đỏ khiến cho những lao động như anh Huy, chị Nga thêm phần khó khăn. Vì thế, nhiều lao động chọn giải pháp tạm thời chưa quy đổi tiền để gửi về gia đình mà giữ lại chờ đồng Yên tăng trở lại.

Sang Nhật Bản làm thực tập sinh ngành thực phẩm từ cuối năm 2022, chị Phan Hoài Thơm (23 tuổi, xã Sơn Phú, Hương Sơn) đã gặp phải tình trạng đồng Yên mất giá trầm trọng. Vì thế, chị Thơm phải thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm tiền.

Lao động Hà Tĩnh ở Nhật xoay xở ra sao khi đồng Yên “rớt” giá kỷ lục?

Chị Thơm (bên trái) chọn cách giữ đồng Yên lại để chờ tăng giá mới quy đổi ra Việt Nam đồng.

Chị Thơm chia sẻ: “Chi phí sang Nhật lao động gồm một số loại như: đào tạo, môi giới, hồ sơ, visa, khám sức khỏe, giấy tờ, vé máy bay... hết khoảng 250 triệu đồng. Bỏ ra khá nhiều “vốn” là vậy nhưng với mức thu nhập hiện tại (khoảng 17 man), sau khi trừ các chi phí, tôi còn khoảng 11 man mỗi tháng. Với tỷ giá của Yên Nhật hiện tại, tôi chọn cách giữ tiền chưa vội gửi về quê bởi sẽ “lỗ” nặng”.

Thời điểm hiện tại, đồng Yên vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại, trong khi đó chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ. Cân bằng giữa chi tiêu và tiết kiệm là bài toán khá nan giải với người lao động Hà Tĩnh nói riêng và lao động Việt Nam nói chung ở Nhật Bản. Dù có muôn vàn cách xoay sở để tiết kiệm tiền, song mong ước duy nhất của các lao động tại Nhật Bản vẫn là đồng Yên sớm tăng giá trở lại.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Giá yen lên cao nhất 4 tuần

Giá yen lên cao nhất 4 tuần

Nội tệ Nhật Bản tăng giá hai phiên liên tiếp so với USD, làm dấy lên đồn đoán giới chức can thiệp vào thị trường.
Trao "cần câu" đúng người

Trao "cần câu" đúng người

Mô hình hỗ trợ sinh kế của địa phương đã tạo động lực giúp anh Nguyễn Văn Đấu ở Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vượt qua thời điểm khó khăn, vươn lên thoát nghèo.
Lão nông 40 năm "cày ải" trên đồng muối

Lão nông 40 năm "cày ải" trên đồng muối

Ông Nguyễn Tiến Dũng (trú thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) gắn bó với nghề muối đã 40 năm. Ở tuổi 74, ông vẫn đang bám trụ với nghề đã nuôi sống gia đình gần cả cuộc đời.