Lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp không “mặn mà” với học nghề

(Baohatinh.vn) - Ngoài nhận được khoản trợ cấp thì còn được thụ hưởng nhiều quyền lợi khác, đặc biệt là hỗ trợ học nghề nhưng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Hà Tĩnh vẫn chưa “mặn mà” chính sách này.

Khóa học nghề làm nail cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh tổ chức

Sau 7 năm làm kế toán cho một doanh nghiệp tại TP Vinh (Nghệ An), vì nhiều lý do đầu năm 2023, chị Đậu Thị Kiều Nga ở xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân xin nghỉ việc. Tháng 2/2023, chị Nga đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh để làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Khi đến làm thủ tục, chị Nga được tư vấn và giới thiệu học nghề miễn phí. Các nghề được giới thiệu gồm: cắt may, kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống, làm nail (chăm sóc móng tay, móng chân)… Sau đó, chị Nga quyết định theo học nghề làm nail tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh.

Sau khóa đào tạo nghề chị Đậu Thị Kiều Nga ở xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân sẽ chuyển đổi nghề để có thu nhập đảm bảo cuộc sống

Chị Nga cho biết: “Với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng nên tôi không quá bận tâm về kinh phí học nghề. Sau khi hoàn thành khóa học có chứng chỉ, tôi sẽ chuyển đổi nghề để kiếm thêm thu nhập, bảo đảm cuộc sống”.

Cùng giống như chị Đậu Thị Kiều Nga, chị Lê Thị Thanh Mai ở phường Kỳ Phương, TX Kỳ Anh vừa nghỉ việc làm tại một trạm y tế sau 12 năm công tác. Chị Mai cho biết: “Lúc đầu, tôi đến đây để được hướng dẫn thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp hằng tháng. Khi được giới thiệu học nghề, tôi đăng ký ngay. Kết thúc khóa học với nghề làm nail trong tay, tôi sẽ đi làm việc ở nước ngoài và hy vọng có thu nhập cao”.

Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia đào tạo nghề được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng trong vòng 6 tháng.

Tuy nhiên, đây chỉ là 2 trong số rất ít những lao động thất nghiệp nhận hỗ trợ học nghề để tìm kiếm việc làm mới. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, tính từ đầu năm 2023 đến nay, có 3.435 người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có gần 79 người đăng ký học nghề và được nhận hỗ trợ học nghề.

Lý giải nguyên nhân lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp thờ ơ với chính sách hỗ trợ học nghề, ông Hồ Anh Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Tĩnh) cho rằng, đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông trong các lĩnh vực như may mặc, giày da, xây dựng… nên khó khăn cho công tác tư vấn việc làm phù hợp với trình độ của lao động; một số doanh nghiệp còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, dẫn đến người lao động không kịp thời gian để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề do các cơ sở đào tạo không bố trí được lớp học nên lao động không thể tham gia các lớp học nghề: lái xe B2, lái xe hạng C, lái máy xúc đào.

Lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm

Cũng theo ông Hồ Anh Tú, nhằm tạo điều kiện cho người lao động hiểu đúng và đủ về chế độ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức về những điểm mới trong quy định về dạy nghề cho người thất nghiệp đến tận doanh nghiệp và người lao động...

Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói