Đào tạo - cung ứng nhân lực ở Hà Tĩnh: 2 nhà liên kết, 3 bên được lợi

(Baohatinh.vn) - Việc các cơ sở đào tạo nghề ở Hà Tĩnh kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, hướng nghiệp và cung ứng nhân lực là hướng đi mang lại lợi ích cho cả nhà trường, doanh nghiệp và chính các học viên.

Thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo nghề hệ cao đẳng, trung cấp trên địa bàn Hà Tĩnh đã nỗ lực kết nối, hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo, cung ứng nhân lực. Dù chưa thật sự rộng rãi, liên tục, song đã mở ra một hướng đi mang lại lợi ích cho cả nhà trường, doanh nghiệp và các học viên.

Đào tạo - cung ứng nhân lực ở Hà Tĩnh: 2 nhà liên kết, 3 bên được lợi

Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh đang đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp để đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho học viên.

Thầy Nguyễn Văn Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh cho biết: Việc kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp được triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau. Đầu tiên là cung cấp học viên sau đào tạo cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng; theo đó, những học sinh chuẩn bị tốt nghiệp, sau tốt nghiệp, các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ đến trực tiếp tại trường để tuyển dụng. Hình thức thứ 2 là phối hợp với doanh nghiệp cho học sinh đi thực hành, thực tế. Điều này, tạo cơ hội cho các em được các doanh nghiệp giữ lại làm việc nếu đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn sau thực hành, thực tập. Hình thức thứ 3 là đào tạo lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp".

Đào tạo - cung ứng nhân lực ở Hà Tĩnh: 2 nhà liên kết, 3 bên được lợi

Việc kết nối với các doanh nghiệp sẽ giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, doanh nghiệp có nguồn nhân lực có tay nghề, học viên sớm có việc làm sau tốt nghiệp.

Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp về tại Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh để tổ chức các đợt tuyển dụng như: Formosa Hà Tĩnh, MCC Việt Nam và một số đơn vị ngoại tỉnh. Đến nay, đã có hàng trăm em học viên của nhà trường có được việc làm thông qua việc kết nối của nhà trường với các doanh nghiệp đến tuyển dụng trực tiếp.

Đối với việc kết nối để cho các em học viên đi thực tập tại các doanh nghiệp, đây được đánh giá là một giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh. Khi được thực tập tại các doanh nghiệp, môi trường làm việc chuyên nghiệp giúp cho các em có sự trưởng thành nhanh chóng, nhất là sau thực tập, rất nhiều học viên có cơ hội được các doanh nghiệp tuyển dụng.

Đào tạo - cung ứng nhân lực ở Hà Tĩnh: 2 nhà liên kết, 3 bên được lợi

Lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh tặng quà cho các học viên Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh được công ty lựa chọn để đào tạo (10/2022).

Đặc biệt, tháng 10/2022, Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh đã ký kết thành công hợp tác với Formosa Hà Tĩnh về việc: khi các học sinh bước vào năm 2, Formosa Hà Tĩnh sẽ lựa chọn các học viên có ngành nghề và năng lực phù hợp để đào tạo. Ngoài việc học tại trường, hằng tuần, Formosa sẽ cử các chuyên gia đến hướng dẫn, hỗ trợ nhà trường đạo tạo. Đến cuối năm 2, học viên sẽ được đưa vào công ty thực tập 2 tháng và được hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn ở, cộng thêm hỗ trợ 5 triệu/người/tháng. Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được vào công ty nhận vào làm việc, không cần qua khâu phỏng vấn và thử việc. Đến nay, đã có 43 học viên được Formosa Hà Tĩnh lựa chọn đào tạo.

Ngoài ra, các doanh nghiệp như: Bà Nà hill - Đà Nẵng, các doanh nghiệp dịch vụ, thương mại tại Vinh, Cửa Lò... đều có liên kết chặt chẽ với nhà trường từ nhiều năm nay để nhận học viên thực tập và tuyển dụng lao động khi có nhu cầu.

Tương tự, nhiều năm qua Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh cũng không ngừng mở rộng kết nối với các doanh nghiệp để tạo cơ sở cho các học viên thực hành, thực tập. Đến nay, nhà trường đã kết nối chặt chẽ được với các công ty như: cáp treo Bà Nà hill, Lilama 18, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Bảo Anh, Công ty TNHH Jaty Hải Phòng, Công ty CP thương mại và phát triển nhân lực Mạnh Toàn… Ngoài việc được thực hành, thực tập trong môi trường phù hợp, nhiều học viên còn có cơ hội được doanh nghiệp tuyển dụng sau khi hoàn thành thực tập và tốt nghiệp.

Đào tạo - cung ứng nhân lực ở Hà Tĩnh: 2 nhà liên kết, 3 bên được lợi

Trường CĐ Công nghệ Hà Tĩnh ký kết hợp tác với Trung tâm Ngoại ngữ MV.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh) cho biết: “Một trong những thành công là năm 2020, nhà trường đã ký kết được với Công ty Vinfast của Tập đoàn Vingroup về việc đào tạo nguồn nhân lực cho 2 chuyên ngành: cơ điện tử và công nghệ ô tô. Có 46 học viện được lựa chọn đào tạo học tại trường 15 tháng và học tại các nhà máy của Vinfast 15 tháng. Năm 2023, khi tốt nghiệp các em được công ty ký hợp đồng và nhận ngay vào làm với mức lương dao động từ 13 - 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhà trường còn ký kết với Trung tâm Ngoại ngữ MV để đào tạo tiếng Đức cho 2 nghề trình độ cao đẳng chất lượng cao là cơ điện tử và điện công nghiệp. Sau tốt nghiệp trung tâm sẽ hỗ trợ, giới thiệu các học viên sang Đức làm việc”.

Có thể nói việc tăng cường kết nối, hợp tác với doanh nghiệp không chỉ là hướng đi riêng của Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh mà là xu thế tất yếu đang được các cơ sở đào tạo khác như: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức, Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng... đẩy mạnh triển khai. Bởi, đây là xu hướng giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo, học viên sớm có được cơ hội việc làm và doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng.

Đào tạo - cung ứng nhân lực ở Hà Tĩnh: 2 nhà liên kết, 3 bên được lợi

Việc đi thực tập tại các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho học viên nâng cao tay nghề.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các cơ sở đào tạo, dù mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà trường, doanh nghiệp và học viên, song việc kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp đang chủ yếu là tạo điều kiện cho học viên đi thực hành, thực tập còn việc hợp tác để đào tạo học viên theo đặt hàng của doanh nghiệp thì chưa nhiều và thường xuyên. Doanh nghiệp rất cần nguồn lao động có tay nghề, song, số doanh nghiệp chịu bỏ ra chi phí để hỗ trợ học viên trong đào tạo lại không nhiều.

Ông Nguyễn Xuân Thái - Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là vừa và nhỏ nên việc đặt hàng trong đào tạo nhân lực là rất hạn chế, bởi chi phí để đào tạo được nguồn lao động chất lượng không phải là nhỏ. Chỉ có một số doanh nghiệp có quy mô lớn, nhu cầu sử dụng lao động cao như: Formosa, Vingroup... là có sự phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn. Vì vậy, ngoài nỗ lực xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư thì các trường phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và năng động trong việc liên kết, kết nối với các doanh nghiệp ngoại tỉnh để tạo cơ hội việc làm cho học viên”.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast