Đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ: “Mạnh ai nấy lo”!

Công tác đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ (BĐXN) tại địa bàn Hà Tĩnh đang trong cảnh “mạnh ai nấy lo!”, không có cơ quan, ban, ngành, tổ chức nào đứng ra “cầm trịch”...

Không ai chịu trách nhiệm?!

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho BĐXN được Chính phủ cụ thể hóa bằng Quyết định (QĐ) số 121/2009/QĐ-TTg ngày 9/10/2009. Theo đó, mỗi quân nhân khi xuất ngũ được cấp “thẻ học nghề” có giá trị bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu và có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày cấp. Trường hợp chi phí đào tạo của nghề học cao hơn giá trị của “thẻ học nghề” thì người học tự chi trả phần chênh lệch cho cơ sở dạy nghề. Quyết định còn giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố... trong tổ chức thực hiện. Thế nhưng, sau gần 4 năm QĐ có hiệu lực, công tác đào tạo nghề cho đối tượng này trên địa bàn Hà Tĩnh còn bộc lộ nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến đối tượng được thụ hưởng và cả nguồn thu trên địa bàn.

Trước lúc lên đường nhập ngũ, tân binh cần được tư vấn, hướng nghiệp về học nghề và việc làm
Trước lúc lên đường nhập ngũ, tân binh cần được tư vấn, hướng nghiệp về học nghề và việc làm

Thượng tá Phan Công Hải - Trưởng ban Quân lực Bộ CHQS tỉnh cho biết, trung bình hàng năm, Hà Tĩnh có khoảng 1.000 thanh niên nhập ngũ và gần 90% trong số này xuất ngũ trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ (18 tháng). Cụ thể là từ năm 2010 đến tháng 9/2013, Hà Tĩnh có 3.272 BĐXN, trong đó chỉ có 191 người được đào tạo tại các trường nghề trong tỉnh. Một con số hết sức khiêm tốn, chỉ đạt 7%, thấp hơn nhiều so với các tỉnh bạn. Điều này còn cho thấy, không những BĐXN chịu thiệt thòi mà các cơ sở đào tạo nghề cũng đã thất thu một khoản tiền không nhỏ.

Qua tìm hiểu được biết, ngoài số học nghề trong tỉnh, BĐXN đã tìm đến các cơ sở đào tạo nghề ngoài tỉnh. Nhưng con số này cũng hết sức mơ hồ vì không có cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm thống kê, quản lý. Các ngành nghề được quân nhân lựa chọn chủ yếu là: sửa chữa xe máy, lái xe; hàn, điện, điện lạnh, điện tử dân dụng, máy nông nghiệp… Tuy nhiên, không có cuộc khảo sát nào để nắm được số BĐXN học nghề, có việc làm, thu nhập ổn định với nghề đã học và số người phải ly hương tìm kế sinh nhai. Đây là điều dư luận rất quan tâm, bởi BĐXN tại các địa phương phần lớn phải tự tìm nghề, việc làm.

QĐ 121 của Thủ tướng Chính phủ quy định rất rõ cơ quan chủ trì, phối hợp; hàng năm tổ chức kiểm tra việc thực hiện, báo cáo... Vậy mà khi hỏi về vấn đề này, không một cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nào trong tỉnh nhận trách nhiệm, kể cả cơ quan quân sự! Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều BĐXN cầm trong tay tấm thẻ học nghề nhưng không biết sử dụng thế nào cho hiệu quả, thậm chí còn “bỏ phí”.

Theo chúng tôi, chính sách hậu phương quân đội trong thực hiện QĐ 121 không được cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nào trong tỉnh đứng ra lo liệu. Phần lớn thanh niên trước khi nhập ngũ còn trẻ, chưa có thông tin về nghề, thị trường, việc làm... nên sau xuất ngũ rất cần sự giúp đỡ, tư vấn, hướng nghiệp. Qua tìm hiểu được biết, do chưa làm tốt công tác tuyên truyền nên phần lớn BĐXN thường về thẳng địa phương mà không quan tâm đến việc học nghề. Không ít trong số này hoặc là sống với nghề truyền thống ở địa phương, hoặc phải vào các tỉnh phía Nam tìm việc làm. Vài năm trở lại đây, tình trạng này ít nhiều đã được cải thiện. Nhưng học xong không có việc làm, thu nhập từ nghề được đào tạo không đủ sống nên cuộc sống của BĐXN rất bấp bênh. Nguyễn Văn T. - một thanh niên xuất ngũ (thị trấn Cẩm Xuyên) cho hay: “Em muốn học nghề nhưng chưa biết học nghề chi, học ở mô cho đỡ tốn kém và có việc làm ổn định. Vừa rồi, em có dự lớp tư vấn, hướng nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức tại Trung đoàn 841 nhưng thấy rối quá. Các đơn vị, doanh nghiệp “quảng cáo” rầm rộ mà không thấy ai bên đoàn thể, chính quyền đứng ra “đảm bảo” để bọn em yên tâm”...

Trưởng ban Quân lực Bộ CHQS tỉnh Phan Công Hải cho biết thêm, các doanh nghiệp quan tâm đến đối tượng này vì có sức khỏe, ý thức, tính kỷ luật cao. Tiếc là chưa được đào tạo hoặc được đào tạo nhưng chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường... Nếu chúng ta không làm tốt công tác đào tạo nghề cho BĐXN thì họ phải ly hương để làm ăn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân quân tự vệ, dự bị động viên trên địa bàn.

“Mạnh ai nấy lo”!

Hà Tĩnh là địa phương làm tốt công tác tuyển quân và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Tuy nhiên, trong việc hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên sau xuất ngũ thời gian qua còn nhiều điều đáng bàn.

Đảm bảo hỗ trợ học nghề và việc làm sau khi xuất ngũ là một trong những việc làm cần thiết đối với chính sách hậu phương quân đội
Đảm bảo hỗ trợ học nghề và việc làm sau khi xuất ngũ là một trong những việc làm cần thiết đối với chính sách hậu phương quân đội

Các cơ quan, đơn vị liên quan như Bộ CHQS tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ban, ngành tập trung tuyên truyền công tác giao, nhận quân; quyền lợi, nghĩa vụ của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... nhưng gần như không nhắc đến chế độ, chính sách dạy nghề cho BĐXN.

KKT Vũng Áng là nơi thu hút một lượng lớn lao động. Đây là nơi lý tưởng đối với BĐXN nếu được chính quyền các cấp ưu tiên, quan tâm để họ được học nghề phù hợp. Muốn làm được điều đó, chúng ta không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, hướng nghiệp trước khi thanh niên lên đường nhập ngũ mà cần có chính sách như: miễn giảm học phí, được ở nội trú tại các trung tâm học nghề. Việc liên hệ, đặt vấn đề với các doanh nghiệp để đào tạo nghề, GQVL cho BĐXN là điều hết sức cần thiết. Có như vậy BĐXN mới yên tâm vì tin chắc sau khi ra trường sẽ có việc làm.

“Thời gian trong quân ngũ, ngoài các hoạt động của quân đội, các chiến sĩ cần được đơn vị giới thiệu, tìm hiểu các ngành, nghề, cơ hội việc làm, nơi làm việc, thu nhập tối thiểu... để sau khi xuất ngũ là học nghề mình đã lựa chọn, đỡ lãng phí thời gian, sớm ổn định cuộc sống” - anh Út, BĐXN hiện đang lái xe tại Công ty Taxi Mai Linh, mong muốn.

Đảm bảo hỗ trợ học nghề và việc làm sau khi xuất ngũ là một trong những việc làm cần thiết đối với chính sách hậu phương quân đội. Có như vậy, thanh niên mới yên tâm, tình nguyện lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc; củng cố lòng tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và quân đội. Thiết nghĩ, tỉnh ta cần có giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả QĐ 121 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện để BĐXN ổn định cuộc sống.

Ông Trần Đắc Hòa - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Tĩnh: "Tuyên truyền, tư vấn học nghề cho BĐXN chưa đúng mức"

BĐXN là lực lượng trẻ, khỏe, lại được rèn luyện trong môi trường quân đội nên chắc chắn dù học nghề gì họ cũng sẽ phát huy và đạt kết quả tốt. Tiếc là, đến nay, các cơ sở đào tạo nghề nói chung, Trường Cao đẳng nghề Hà Tĩnh nói riêng vẫn chưa tuyển được nhiều (mỗi năm chỉ 30-40 người). Nguyên nhân chính ngoài việc thanh toán khoản kinh phí qua “thẻ học nghề” có phần rườm rà thì công tác tiếp cận lực lượng này để tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp của nhà trường và các cơ quan, đoàn thể thời gian qua chưa đúng mức...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast