Gắn kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho các học viên nghề

(Baohatinh.vn) - Trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp & Giáo dục thường xuyên Cẩm Xuyên được đánh giá là một trong những cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn khá hiệu quả. Những năm qua, đơn vị thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng lao động để tìm đầu ra cho học viên.

Gắn kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho các học viên nghề ảnh 1

Các học viên học nghề may tại Trung tâm DN-HN&GDTX huyện Cẩm Xuyên.

Cẩm Xuyên có lực lượng lao động nông thôn khá lớn và là địa bàn phụ cận KKT Vũng Áng nên có nhiều cơ hội việc làm. Nhằm nâng cao hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp & Giáo dục thường xuyên Cẩm Xuyên đã triển khai nhiều biện pháp quan trọng như: tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ, tổ chức tốt quá trình dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo… Đặc biệt là giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.

Giám đốc Trung tâm Hoàng Văn Thức cho biết: Để giải quyết việc làm cho học viên, trung tâm đã tổ chức ký hợp đồng cung cấp lao động với nhiều DN như: Công ty cổ phần LILAMA3, Công ty CP Sông Đà 6, DN Đầu tư sản xuất Mỹ Hảo, một số HTX sản xuất nông nghiệp… Nhiều hợp đồng đã được thực hiện, tạo việc làm ổn định cho học viên. Ngoài số lao động sau khi học xong tự liên hệ việc làm thì từ năm 2011 đến nay, với các hợp đồng cung cấp lao động, trung tâm đã bàn giao cho các DN 217 học viên, trong đó, Công ty CP Sông Đà 6 là 52 người, Công ty cổ phần LILAMA3 là 92 người, HTX Sản xuất, kinh doanh rau an toàn và Dịch vụ tổng hợp Cẩm Vịnh 73 người. Số lao động này phần lớn đã phát huy tốt tay nghề, có thu nhập ổn định.

Trong khi Hà Tĩnh có các khu kinh tế, khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ, nhu cầu lao động tăng nhanh, lực lượng lao động trong các vùng nông thôn rất dồi dào lại tồn tại nghịch lý là người lao động thiếu việc làm, DN thiếu nguồn lao động. Số lao động qua đào tạo tăng nhanh nhưng các khu kinh tế sử dụng được còn rất ít.

Theo Giám đốc Hoàng Văn Thức, nguyên nhân chính là do cơ sở dạy nghề và DN chưa có sự gắn kết chặt chẽ. Hiện nay, các hình thức phối hợp giữa cơ sở dạy nghề với DN hầu hết là tự phát, mức độ phối hợp còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc thực hiện chưa liên tục, chưa có cơ chế cụ thể và sự ràng buộc chặt chẽ để bảo đảm tính bền vững, hiệu quả.

Trong khi các cơ sở dạy nghề tuyển sinh ngày càng tăng về số lượng học viên và quy mô ngành nghề thì dường như các DN đang đứng ngoài quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Thời gian gần đây, một số tập đoàn, DN do nhu cầu cấp bách đã chủ động liên kết với cơ sở để đào tạo lao động theo nhu cầu của mình. Tuy nhiên, sự phối hợp này còn mang tính thời vụ, số lượng ít. Hầu hết DN còn tuyển dụng theo kiểu “ăn đong”, chờ học sinh, sinh viên ra trường để tuyển dụng.

“Nguyên nhân là do chưa thiết lập được cơ chế phối hợp giữa các DN với cơ sở dạy nghề. Chưa có cơ chế cụ thể để cơ sở dạy nghề và DN chủ động hợp tác một cách chặt chẽ và hiệu quả. Chưa có một hệ thống tổ chức từ cấp trung ương đến địa phương, các cơ sở đào tạo để thực hiện nhiệm vụ tư vấn thúc đẩy hợp tác. Các chính sách hiện hành của Chính phủ, các bộ, ngành chưa thực sự tạo điều kiện và thúc đẩy sự hợp tác giữa cơ sở dạy nghề và DN” - ông Hoàng Văn Thức lý giải thêm.

Có thể nói, tuy còn gặp khó khăn, nhưng với mô hình gắn kết giữa DN và cơ sở dạy nghề, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp & Giáo dục thường xuyên Cẩm Xuyên đã có những kết quả thiết thực, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast