Ít nhất 3 vụ cháy ôtô xảy ra tại Hà Nội trong 2 ngày qua, khi nền nhiệt tăng cao trong đợt nắng nóng gay gắt nhất kể từ đầu năm.
Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC & CNCH (Bộ Công an), nguyên nhân gây ra các vụ hỏa hoạn trong 2 ngày qua đang được cơ quan chức năng làm rõ. Trước mắt, chưa thể khẳng định ngọn lửa bùng phát hoàn toàn do thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên nền nhiệt cao là một trong những yếu tố cộng hưởng khiến nguy cơ cháy, nổ xảy ra cao hơn và khi lửa bùng phát sẽ dữ dội hơn.
3 ôtô bốc cháy giữa trưa nắng nóng
Hai ngày qua, nhiều khu vực trên cả nước trong đó có Hà Nội xảy ra nắng nóng gay gắt. Nền nhiệt độ trung bình lúc giữa trưa trong lều khí tượng thường xuyên đạt ngưỡng 39-40 độ C. Ở ngoài trời, cộng hưởng với hiệu ứng đô thị và mặt đường nhựa, nhiệt độ ghi nhận được là 50-60 độ C.
Gần 11h ngày 17/5, một chiếc xe BMW 530i đang di chuyển trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội) thì đầu xe bốc cháy. Sau đó hơn một giờ, chiếc Toyota Cross đang đỗ ngoài trời, trong khuôn viên của Trung tâm thể dục thể thao quận Ba Đình cũng bùng phát hỏa hoạn.
Tới trưa 18/5, một chiếc xe 7 chỗ tiếp tục bốc cháy dữ dội khi đang lưu thông trên quốc lộ 32 đoạn qua huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Các sự cố trên không xảy ra thương vong nhưng gây thiệt hại về tài sản và đe dọa sự an toàn của nhiều người tham gia giao thông. Điểm chung là 3 ôtô đều đang ở ngoài trời và bốc cháy vào buổi trưa, khung giờ có nền nhiệt cao nhất.
Chiếc xe 7 chỗ bốc cháy khi đang lưu thông trên quốc lộ 32 vào trưa 18/5. Ảnh: Q.N
Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC & CNCH về trạng thái vận hành theo thống kê các vụ cháy xe thời gian qua thì có xe bốc cháy khi vừa mới khởi động, có xe bốc cháy khi đang chuyển động trên đường, có xe bốc cháy khi vừa dừng lại hoặc để trong nhà, để ở nơi công cộng... Do vậy, ở bất kỳ trạng thái nào, phương tiện cũng có thể gặp sự cố, nhất là khi nền nhiệt tăng cao.
Để bảo đảm an toàn, chủ ôtô được khuyến cáo không tự ý lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện bởi sẽ gây nguy cơ phương tiện bị quá tải nguồn điện. Đồng thời cần tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Chủ xe cần sớm phát hiện các dấu hiệu khác thường của xe như khó nổ máy, có hơi xăng, có tiếng kêu, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét...
Khi để xe trong nhà, nơi trông giữ xe thì tài xế phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng và để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt. Ngoài ra, cảnh sát khuyến cáo cần mua xăng dầu ở những địa điểm uy tín, tránh việc xăng bị làm giả hoặc kém chất lượng. “Chủ xe tuyệt đối không để các chất dễ cháy trong xe”, đại diện Cục Cảnh sát PCCC & CNCH nói đồng thời khuyến cáo ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên cần tự trang bị các bình chữa cháy phù hợp.
Đối với các điểm trông giữ ôtô, xe máy, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH cho rằng chủ cơ sở phải trang bị đầy đủ các loại phương tiện chữa cháy, có quy hoạch khu vực gửi xe, sắp xếp xe để thuận tiện, dễ dàng sơ tán xe khi có cháy.
Nhân viên làm việc ở khu vực này phải có kiến thức và được huấn luyện thành thạo các phương pháp chữa cháy, xử lý sự cố ban đầu. Chủ các tòa nhà có dịch vụ trông giữ xe ngoài việc thực hiện các quy định trên thì phải lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy tự động theo quy định. Hệ thống này phải được kiểm tra, bảo trì thường xuyên để bảo đảm hiệu quả chữa cháy.
Luôn cảnh giác để phát hiện dấu hiệu xe bốc cháy
Khi đang di chuyển, cảnh sát PCCC & CNCH cảnh báo tài xế luôn cảnh giác để phát hiện dấu hiệu xe có thể bốc cháy. Dấu hiệu này là: Mùi xăng, mùi khét của cao su trong buồng lái hay thấy khói bốc lên từ gầm xe, nắp capô.
Khi xảy ra cháy, nếu trong xe còn người và cửa bị kẹt, cần đập vỡ cửa kính bằng chân, đất đá, bánh xe dự phòng… để nhanh chóng cứu người ra khỏi xe.
Chiếc xe tải bốc cháy hôm 6/5 trên quốc lộ 6 đoạn qua đèo Chiềng Đông, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Thời điểm này, nhiệt độ khu vực được ghi nhận là 40,3 độ C. Ảnh: D.C.
Nếu đám cháy xuất hiện bên dưới gầm xe do rò rỉ nhiên liệu, người dân được khuyến cáo sử dụng bình chữa cháy bằng bột hoặc khí phun lần lượt theo hướng từ ngoài vào trung tâm đám cháy. Nếu đám cháy xuất hiện dưới nắp capô, cần mở nắp capô (nên dùng vật cứng nhọn để cạy hoặc đập thủng nắp capô nếu được) và sử dụng bình chữa cháy phun thẳng vào trung tâm của đám cháy hoặc phun vào nơi cháy to nhất.
Cùng với đó, tài xế có thể dùng các tấm phủ tẩm nước bao phủ lên ngọn lửa hoặc sử dụng các vật liệu chữa cháy khác như đất, cát, nước…
“Tuyệt đối không được tiếp cận với ngọn lửa nếu quần áo, người đang dính xăng dầu. Khi chữa cháy phải đứng ở đầu hướng gió để tránh bị lửa tạt vào người”, chuyên gia từ Cục Cảnh sát PCCC & CNCH khuyến cáo đồng thời cho rằng khi cảm nhận không thể dập được ngọn lửa, tài xế cần tránh ra xa vì đám cháy có thể gây ra nổ bình xăng. Những người cách đám cháy khoảng 10 m cũng cần được sơ tán để đảm bảo an toàn.