Lộc Hà phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế sản xuất và đặc sản vùng

(Baohatinh.vn) - Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã tập trung phát triển các loại sản phẩm dựa trên thế mạnh của vùng, kết tinh từ nền sản xuất nông - ngư nghiệp, mang hồn cốt riêng.

Kết tinh từ sản phẩm nông nghiệp

Sau hơn 18 tháng đi vào sản xuất, mô hình dưa lưới trên vùng đất cát pha của HTX Nông nghiệp Hiền Tiến (thôn Bằng Châu, xã Thạch Châu) đã làm chủ được kỹ thuật, sản xuất ổn định với tổng sản lượng đạt 18 tấn, doanh thu đạt gần 900 triệu đồng, lợi nhuận 105 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 - 9 lao động.

Khi đã chứng minh được mô hình dưa lưới mang lại hiệu quả hơn hẳn các loại cây màu khác, chủ mô hình này đã bắt tay vào mở rộng sản xuất và tiến hành xây dựng sản phẩm OCOP.

Lộc Hà phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế sản xuất và đặc sản vùng

Mô hình trồng dưa lưới của HTX Hiền Tiến (Thạch Châu) đang trên hành trình mở rộng quy mô, thiết chặt quy trình sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm... để đạt chuẩn OCOP (ảnh tư liệu).

Chị Nguyễn Thị Hiền (chủ mô hình dưa lưới Hiền Tiến) thông tin thêm: “Để hướng tới đạt chuẩn OCOP, chúng tôi đang xây dựng thêm 2.000 m2 nhà màng (hiện có 500 m2), kiểm soát chặt vật tư đầu vào, thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, chuẩn bị đầy đủ bao bì, nhãn mác… Ngoài bán quả chín, chúng tôi cũng sẽ chế biến thêm dưa lưới bao tử muối và nước ép từ dưa để đa dạng hóa sản phẩm và có hàng bán trong mọi thời điểm”.

Tương tự, cơ sở dầu lạc Lý Úy (ở thôn Đại Yên, xã Thạch Mỹ) cũng đang nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP dựa trên nền tảng của vùng đất lạc Lộc Hà và kinh nghiệm ép dầu của người dân trong vùng. Mỗi năm, cơ sở sản xuất 5.000 lít dầu lạc và 4.500 kg khô lạc, cho doanh thu gần 800 triệu đồng, lợi nhuận gần 120 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động.

Lộc Hà phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế sản xuất và đặc sản vùng

Cán bộ Văn phòng NTM tỉnh định hướng, hướng dẫn cơ sở dầu lạc Lý Úy (xã Thạch Mỹ) chuyển dời nhà xưởng và thực hiện các bước sản xuất đảm bảo đạt chuẩn OCOP.

Anh Phan Trọng Úy (chủ cơ sở) cho hay: “Hiện, cơ sở này vẫn đang phải tận dụng nhà ở làm nơi sản xuất, khâu tiếp cận thị trường còn hạn chế, sản phẩm chưa kiểm định chất lượng, đất làm mặt bằng nhà xưởng chưa có… Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư thêm 1,3 tỷ đồng chuyển nhà xưởng, mua sắm thêm máy móc, cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để sớm đạt chuẩn OCOP. Dự kiến 2 năm tới, sản lượng sẽ tăng 30 - 50%, sản phẩm đảm bảo về chất lượng và ổn định về giá thành, đưa vào tiêu thụ trong các siêu thị...”.

Lộc Hà phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế sản xuất và đặc sản vùng

Bánh vừng Tâm Anh (sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao) là kết tinh của các sản phẩm nông nghiệp Lộc Hà.

Ngoài 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là bánh vừng Tâm Anh (xã Ích Hậu) và nấm sò tươi Quang Trung (xã Bình An), hiện nay, huyện Lộc Hà đang xây dựng thêm 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP có nguồn gốc từ nông nghiệp là dưa lưới Hiền Tiến (xã Thạch Châu), dầu lạc Lý Úy (xã Thạch Mỹ), nấm linh chi ở xã Bình An, chè xanh ở Hồng Lộc. Đây đều là những sản phẩm được hình thành từ các sản phẩm nông nghiệp ở Lộc Hà.

Đưa hương vị biển bay xa…

Mực Ngọc Diệp Thạch Kim (ở thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim) được xem là sản phẩm nổi tiếng nhất ở quê biển Lộc Hà. Trước đây, cơ sở này chế biến hoàn toàn bằng thủ công, chưa áp dụng trang thiết bị máy móc hiện đại nhưng mỗi năm cũng chế biến đến 2 tấn mực tươi để cho ra đời 600 kg mực khô các loại, bán được 1,1 tỷ đồng, cho lợi nhuận hơn 270 triệu đồng.

Để đặc sản quê hương đến với đông đảo người tiêu dùng và trở thành sản phẩm tiêu biểu của xã, cơ sở đã đầu tư gần 900 triệu đồng để nâng cấp văn phòng, nhà xưởng, kho lạnh, sân phơi, điều chỉnh quy trình sản xuất và đã đạt chuẩn OCOP 3 cấp tỉnh vào cuối năm ngoái.

Lộc Hà phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế sản xuất và đặc sản vùng

Mực Ngọc Diệp Thạch Kim luôn tự hào là sản phẩm mang hương vị đặc trưng của quê biển Lộc Hà, được mang đi trưng bày giới thiệu ở các triển lãm, hội nghị, hội chợ (ảnh tư liệu).

Chị Nguyễn Thị Trung (chủ cơ sở mực Ngọc Diệp Thạch Kim) cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy sấy, nhà sấy áp dụng công nghệ sấy từ năng lượng mặt trời để tạo ra sản phẩm chất lượng và thơm ngon hơn. Cùng với đó, cơ sở đã và đang phát huy tốt lợi thế về nguyên liệu, nhân lực, kinh nghiệm và liên kết kinh doanh để tạo ra giá trị cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh (hiện đã liên kết với 20 hộ).

Đặc biệt, từ khi sản phẩm mực Ngọc Diệp Thạch Kim đạt chuẩn OCOP, tình hình sản xuất, kinh doanh chuyển biến hẳn với mức tiêu thụ gần gấp 10 lần trước (dự kiến năm nay sẽ bán được trên 4 tấn), thị trường cũng tiếp tục được mở rộng ra TP Hà Nội, tỉnh Nghệ An...”.

Lộc Hà phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế sản xuất và đặc sản vùng

Nước mắm của cơ sở Nga Sơn (xã Thạch Kim) sắp gia nhập “câu lạc bộ” OCOP.

Ông Phạm Duy Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim thông tin: “Phát huy lợi thế sẵn có, chúng tôi đã xây dựng được nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhất huyện, gồm ruốc kem Hương Xuân, mực Ngọc Diệp và nước mắm Đồng Châu.

Thời gian tới, ngoài việc tạo điều kiện để “nâng chất” các sản phẩm đã có thì chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng/cơ sở để có thêm nhiều sản phẩm quê biển gia nhập Câu lạc bộ OCOP, trước mắt là mực khô Hợp Thành, mực một nắng Bích Lan, nước mắm Nga Sơn, nước Bồ Lô…”.

Lộc Hà phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế sản xuất và đặc sản vùng

Mực một nắng Bích Lan (xã Thạch Kim) sẽ được hỗ trợ để trở thành sản phẩm OCOP.

Ông Phan Bá Ninh - Phó chánh Văn phòng NTM huyện Lộc Hà cho biết: “Đến thời điểm này, huyện Lộc Hà đã có 7 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và năm nay đang xây dựng thêm 10 sản phẩm.

Việc thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn được dựa trên các tiềm năng, lợi thế của vùng và hướng đến mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị, thương hiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng miền, gắn với phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ nông thôn...”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.