Lục quân Việt Nam đã được xác định là lực lượng tiến lên hiện đại sau nhiều năm dồn ưu tiên cho Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân và Binh chủng Thông tin liên lạc. Để hiện thực hóa kế hoạch trên, trong giai đoạn đầu chúng ta đã ký hợp đồng mua sắm 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S đi kèm cả phiên bản chỉ huy T-90SK, tương lai con số này có thể lên tới 200 chiếc.
Bên cạnh đó dự án hiện đại hóa T-54/55 vẫn đang được triển khai. Ngoài xe tăng thì xe chiến đấu bộ binh cùng trực thăng vũ trang là hai chủng loại vũ khí khác cũng được nhắc tới, chắc chắn chúng sẽ có vị trí khi kế hoạch mua sắm ngắn hạn hoàn thành.
Bên cạnh phương tiện tấn công thì vũ khí phòng thủ mà cụ thể ở đây là các hệ thống phòng không lục quân cũng không thể thiếu nếu muốn xây dựng lực lượng tác chiến mạnh toàn diện, nhất là khi chúng ta chưa có khả năng hoàn toàn làm chủ bầu trời.
Hiện tại trong biên chế của các đơn vị phòng không tầm thấp chỉ có các tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 hay tên lửa Strela-10 là đủ khả năng hành tiến theo đội hình tiến quân, nhưng do ra đời đã lâu nên chúng khó đáp ứng đầy đủ yêu cầu chiến hiện đại.
Tuy rằng các tổ hợp phòng không lục quân này đã được nâng cấp nhẹ trong một vài năm qua nhưng về lâu về dài thì mua sắm thêm các hệ thống thế hệ mới là yêu cầu vô cùng cấp thiết. Một số ứng viên đã được liệt kê nằm trong danh sách tiềm năng cho Lục quân Việt Nam có thể kể tới tổ hợp tên lửa Sosna, Tor-M1 hay thậm chí là phiên bản bánh xích của Pantsir-S1...
Nhưng các hệ thống vũ khí trên có nhược điểm là giá thành rất cao, thời gian giao hàng chậm, khó đồng bộ với cơ sở hạ tầng kỹ thuật có sẵn dần tới làm đội giá thêm.
Việt Nam có thể tính tới phương án tạm thời là mua sắm các tổ hợp Tunguska-M1 đã qua sử dụng mà Nga đang lưu trữ rất nhiều trong kho. Hệ thống Tor-M1 sử dụng pháo 30 mm và tên lửa Sosna-R tương tự loại sử dụng cho Palma trên cá tàu Gepard, rất thuận tiện vì chúng ta đã hiểu rõ vũ khí này.
Do Moskva đang tập trung vào các tổ hợp Pantsir và Tor để tạo ra chiếc ô che phủ có tầm rộng hơn mà Tunguska đang bị đẩy vào lực lượng dự bị, đây là cơ hội vàng để các đối tác mua thanh lý với giá rẻ, điển hình chính là trường hợp của Myanmar.
Nếu sở hữu Tunguska-M1, Lục quân Việt Nam sẽ có được chiếc lá chắn che đầu cho các đơn vị thiết giáp hiệu quả hơn nhiều so với ZSU-23-4 hay Strela-10. Đây là phương án tỏ ra hiệu quả với chúng ta trong giai đoạn trước mắt, lúc kinh phí mua sắm còn hạn hẹp. Ảnh trong bài: Hệ thống Tunguska-M1. (Đan Nguyên)