Lý giải 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phải chuyển đổi sang đầu tư công

Việc chuyển đổi 8 dự án đầu tư PPP cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước là cấp thiết và phù hợp với thực tiễn khi sẽ đẩy nhanh tiến độ, giảm tổng mức đầu tư và giải quyết được bài toán khó huy động vốn vay của các nhà đầu tư từ các ngân hàng khi đầu tư theo hình thức PPP.

Lý giải 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phải chuyển đổi sang đầu tư công

Các dự án cao tốc Bắc-Nam đã giải phóng trên 70% mặt bằng toàn tuyến. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Đây là thông tin được Bộ Giao thông Vận tải lý giải về việc cần thiết chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vào tối ngày 15/5.

Vì sao phải chuyển đổi sang đầu tư công?

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, thiết kế kỹ thuật, dự toán đã cơ bản hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt trên 70% công việc. Nếu các dự án cao tốc Bắc-Nam được chuyển đổi sang đầu tư công sẽ là những điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện ngay trong năm 2020.

Trong khi nếu tiếp tục triển khai theo hình thức PPP, với những khó khăn về khả năng huy động vốn tín dụng cũng như việc lựa chọn nhà đầu tư, phía Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận sẽ không bảo đảm được tiến độ theo yêu cầu.

Trường hợp thuận lợi thì đến giữa năm 2021 mới có thể huy động được tín dụng và bắt đầu triển khai thi công, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra kịch bản sẽ không thể hoàn thành dự án theo đúng tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 (Nghị quyết 52) của Quốc hội.

Nếu nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, các dự án cao tốc Bắc-Nam này sẽ phải chấm dứt hợp đồng và thực hiện các thủ tục theo quy định để chuyển đổi hình thức đầu tư, có thể đến năm 2022 mới bắt đầu triển khai thi công.

Mặt khác, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, chuyển đổi 8 dự án đầu tư PPP sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án thành phần là sự chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông sau khi được điều chỉnh là khoảng 99.493 tỷ đồng (trong đó bao gồm 55.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 được xác định tại Nghị quyết số 52). Như vậy, mức đầu tư dự án sẽ giảm khoảng 19.223 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Nghị quyết 52 (118.716 tỷ đồng).

Với số vốn còn lại 44.493 tỷ đồng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cân đối, bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải. Chính phủ sẽ chỉ đạo, tổng hợp trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Mặt khác, sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ nghiên cứu phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước; mặc dù chưa thể bù đắp ngay cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

Hiệu quả về sử dụng vốn

Tại thời điểm Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị Quyết 52, Chính phủ cũng đã nhận diện rõ những khó khăn về việc huy động nguồn vốn tín dụng, trong thời gian qua Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ ngành để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xử lý.

Tuy nhiên cho đến nay, chưa có giải pháp khả thi để giải quyết triệt để các khó khăn nêu trên đặc biệt trong điều kiện hiện nay, các Ngân hàng thương mại đang tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục các tác động của dịch bệnh COVID-19.

Tại cuộc họp mở rộng để thẩm tra việc chuyển 8 dự án của cao tốc Bắc-Nam từ PPP sang đầu tư công ngày 14/5 vừa qua, khẳng định việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết dư nợ tín dụng của các dự án BOT giao thông hiện nay khoảng 102.000 tỷ đồng.

Cụ thể, có 59/116 dựa án có doanh thu không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đủ trả nợ ngân hàng. Nghiêm trọng hơn, 43/116 dự án BOT giao thông hiện nay đang phải cơ cấu chuyển đổi nợ với tổng số tiền khoảng 66.474 tỷ đồng gồm 10 dự án khả năng chuyển ngay sang nợ xấu với số tiền 14.618 tỷ đồng và 33 dự án có nguy cơ chuyển sang nợ xấu với số tiền trên 51.000 tỷ đồng.

Đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam, ông Hùng đánh giá, các nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu, họ có năng lực về thi công nhưng năng lực về tài chính còn nhiều hạn chế.

“Chủ đầu tư chủ yếu là những nhà thầu sẽ rất khó thuyết phục và có khả năng là không ngân hàng nào họ đồng ý cho vay số tiền lên đến 5.000-10.000 tỷ đồng đầu tư các dự án cao tốc Bắc-Nam . Các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam có tổng mức đầu tư lớn nên nguồn vốn vay ngân hàng có thể vượt giới hạn cấp tín dụng trong khi hiện nay hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại Nhà nước đã chạm ngưỡng được quy định tại Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước,” ông Hùng nhìn nhận.

Hơn nữa, ông Hùng cũng nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật, không một cơ quan nào có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phải cho vay khi dự án không có hiệu quả tài chính hoặc là nhà đầu tư không đủ năng lực.

Được biết, Quốc hội sẽ có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi hình thứ đầu tư. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải phải hoàn thiện hồ sơ và giải trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo tính thuyết phục.

Nếu được thông qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động chuẩn bị đầy đủ phương án, các thủ tục liên quan, sẵn sàng khởi công ngay 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam./.

Theo Việt Hùng (Vietnam+)

Chủ đề GPMB cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.