Trong chuyến du lịch về bãi biển Sầm Sơn vừa qua, chị Bích Lan (ở Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng khi bé Nguyễn Linh Chi (5 tuổi, con gái chị) lên cơn đau bụng vùng ức, kèm sốt cao, nôn liên tục. Bé được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện địa phương nhưng vẫn không đỡ. Gia đình chị đành dừng chuyến du lịch, đưa bé về Hà Nội.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé Linh Chi được bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày bằng phương pháp gây mê. Kết quả, bé bị nhiễm vi khuẩn HP. Việc bé mới 5 tuổi đã bị nhiễm HP khiến gia đình rất bất ngờ. Bản thân chị Lan cũng bị dạ dày, có khuẩn HP nên chị hiểu sự khó chịu của con gái.
Tương tự, bé Ngọc Liên (4 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa) cũng được xác định mắc HP và đang dùng thuốc điều trị. Thực tế, việc các bé nhỏ mắc bệnh dạ dày và khuẩn HP như hai trường hợp này không còn hiếm.
Trẻ dễ lây HP
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức (khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội) cho hay: “Thực tế đây không phải là vấn đề xa lạ. Bởi nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, nhất là khi cha mẹ không đảm bảo vệ sinh ăn uống cho trẻ”.
Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là một loại vi trùng hình xoắn ốc gây ra viêm loét dạ dày tá tràng. Cụ thể là làm tổn hại đến các tế bào trong dạ dày và phần đầu của ruột non (tá tràng).
“Ở mức độ nhẹ chúng gây sưng đỏ, nặng hơn là lở loét, khiến cho người bệnh đau đớn, khó chịu ở vùng bụng. Đây là một căn bệnh rất kỳ lạ, triệu chứng ở mỗi người là khác nhau. Không ai biết mình bị lây nhiễm vi khuẩn này lúc nào và thời gian ủ bệnh là bao lâu. Nhiễm trùng do vi khuẩn HP có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư dạ dày sau này”, bác sĩ Đức khuyến cáo.
Đa số vi khuẩn HP được lây truyền qua người với người. Chúng có thể ẩn chứa trong cơ thể người nhiều năm sau đó mới bùng phát và gây viêm loét. Trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất vì trẻ em có hệ miễn dịch yếu.
“Thông thường, nếu trẻ em được tiếp xúc với nguồn bệnh thì rất dễ bị nhiễm, bằng nhiều cách khác nhau như ăn thực phẩm không được làm sạch, không được nấu chín kỹ, uống nước bị nhiễm khuẩn, không rửa tay trước khi ăn, tiếp xúc nước bọt: hôn, dùng chung đồ ăn hoặc bàn chải đánh răng”, bác sĩ Đức phân tích.
Cha mẹ nhiễm HP có thể lây cho con nhỏ nếu hôn, mớm thức ăn. Ảnh: Dailytelegraph. |
Triệu chứng trẻ nhiễm HP
Theo bác sĩ Đức, thông thường, người bệnh bị nhiễm vi khuẩn HP trong nhiều năm mà không hay biết vì chưa có bất kỳ triệu chứng nào. Khi vi khuẩn này gây ra viêm loét, người bệnh mới nhận thức được tình trạng của mình. Điểm chung duy nhất là đau bụng, thường là 2-3 giờ sau bữa ăn hoặc vào ban đêm.
Ngoài ra, trẻ bị nhiễm HP còn có thể có những biểu hiện khác như đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn, ói mửa, ăn mất ngon, sụt cân, nôn ra máu hoặc phân đen (do xuất huyết trong dạ dày hoặc tá tràng).
“Những triệu chứng này nhìn chung không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các vấn đề ở hệ tiêu hóa khác. Khi nghi ngờ trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP, cha mẹ nên cho trẻ em đi khám để biết chắc chắn nhiễm bệnh hay không và hướng điều trị. Khi trẻ được chẩn đoán là nhiễm bệnh này, các thành viên trong gia đình cũng nên đi khám vì bệnh này dễ lây nhiễm”, bác sĩ Đức khuyến cáo.