Mênh mông một biển lúa vàng…

(Baohatinh.vn) - Chớm thu, Hà Tĩnh lại rực sắc vàng của mùa lúa chín. Hương thơm ngào ngạt từ thứ hạt vàng óng này luôn có sức quyến rũ đặc biệt không chỉ với mỗi bà con nông dân…

Mênh mông một biển lúa vàng…

Mùa lúa chín “nhuộm” cả trời thu trong sắc vàng rực rỡ...

Đức Thọ có lẽ là nơi có những cánh đồng lúa chín đẹp nhất. Nếu nói theo lối hình tượng thì những bông lúa trên ruộng đồng Đức Thọ luôn mang vẻ thanh thoát, nõn nà, riêng biệt mà ít nơi có được. Đó là bởi chúng sinh ra trên ruộng cấy, được chăm bón bằng bàn tay cần mẫn, nhẫn nại của người nông dân. Những năm gần đây, việc cơ cấu cánh đồng lớn, sản xuất tập trung càng khiến cho lúa thảm đều tăm tắp, trông thật mướt mắt.

Mùa thu hoạch của huyện lúa bắt đầu khi bà con nông dân các xã ngoài đê rục rịch ra đồng. Dù bây giờ đã có máy gặt đập liên hợp thì người dân nơi đây vẫn trở dậy thật sớm để chạy đua với thời gian. “Đây là trà hè thu chạy lụt, thế nên chúng tôi phải “chạy” từ lúc gieo cấy đến thu hoạch. Ở đây, chẳng mấy ai chờ lúa chín hẳn mới gặt cả, cứ 80% trở lên là đưa lúa về nhà rồi” - bà Nguyễn Thị Nhàn (xã Bùi La Nhân) cho biết.

Mênh mông một biển lúa vàng…

... ấy là lúc bà con nông dân theo “chân” máy gặt đập liên hợp để thu hoạch vụ lúa chính thứ hai trong năm

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ, vụ hè thu năm nay sạch sâu bệnh, nguồn nước thủy lợi được đáp ứng đầy đủ nên cây lúa sinh trưởng khỏe. Thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch hơn 3.000 ha (đạt 70% diện tích) với năng suất đạt 44 tạ/ha.

Bà con nông dân Hà Tĩnh vẫn thường nhắc nhở nhau, vụ hè thu “một ngày nắng bằng vạn ngày mưa”, “100 ngày sản xuất chờ 15 ngày thu hoạch”… Chẳng những ở vùng thấp lụt mà khắp các địa phương trong tỉnh, mùa thu hoạch lúa hè thu luôn về trong gấp gáp, vội vã.

Đến hôm nay nữa thì bà Nguyễn Thị Sinh - thôn Long Tiến, xã Thạch Khê (Thạch Hà) mới “thở phào” nhẹ nhõm vì 6 sào lúa của mình đã thu hoạch xong. Nhẩm tính trên đồng ruộng, năm nay lúa đạt khá, chắc chắn trên 2 tạ/sào. Đối với vùng khó như Thạch Khê thì có lẽ đây là kết quả đáng mong chờ nhất.

Mênh mông một biển lúa vàng…

Bà Nguyễn Thị Sinh - thôn Long Tiến, xã Thạch Khê như trút được nỗi lo khi lúa đã gặt đầy bì.

“3 tháng sản xuất, bà con chúng tôi phải trải qua đủ cung bậc cảm xúc. Đầu vụ nắng hạn nẻ đồng, phải canh từng giờ lấy nước, đến lúc lúa đang vào kỳ trổ thì gặp mưa, lại nơm nớp lo năng suất cuối vụ. Cũng may, lúa vượt hết các “cửa ải”, sạch bệnh, tròn trĩu bông. Hè thu năm nay còn năng suất hơn cả vụ xuân đấy cô ạ” - vừa dứt câu chuyện, bà Sinh lại vội vã chạy theo chiếc máy gặt để nhận những bì lúa căng tròn thả xuống mặt ruộng.

Cuối tháng 8, nắng dù không gay gắt như hồi thu hoạch lúa xuân nhưng vẫn rát da thịt. Ấy thế mà, mặt trời đứng bóng, bà con nông dân vẫn ngồi hàng dài chờ đợi, chẳng ai muốn về nhà khi đồng đang gặt dở.

Mênh mông một biển lúa vàng…

Đối với người nông dân Hà Tĩnh, thu hoạch lúa hè thu “sớm một ngày, hay một điều”.

“Đã sắp đến lượt chưa? Đưa cơm ra đồng vừa ăn vừa chờ máy nhé?” - những câu chào hỏi nhau như thế đã trở thành quen thuộc trên các cánh đồng. Bà Nguyễn Thị Nghị ở thôn Đồng Giang, xã Thạch Khê chia sẻ: “Ngày hôm qua, đang gặt dở thì trời mưa nên phải tạm dừng. Mùa này, bỏ phí giờ nào tiếc nắng giờ đó, cả tuần nay, ngày nào chúng tôi cũng “xuyên” trưa trên đồng”.

Hai chiếc máy gặt đập chạy cật lực, trên đầu những đám mây lớn vần vũ. Người dân ngồi trên bờ lại sốt ruột, ngước lên nhẩm đoán thời tiết. “Bây giờ không phải gặt tay, tuốt lúa nữa, chỉ tranh nắng để phơi khô khén trước khi bão về” - bà Nghị chia sẻ thêm.

Hè thu 2020 có lẽ là vụ mùa vui nhất bấy lâu ở Can Lộc khi vượt lên giữ ngôi vị “quán quân” của tỉnh với năng suất ước đạt khoảng 52 tạ/ha.

Mênh mông một biển lúa vàng…

Nông dân xã Kim Song Trường (Can Lộc) phấn khởi vụ hè thu năng suất cao, được thương lái mua tại ruộng (ảnh Thanh Hoài).

Kết quả này ngoài sự tác động của ngoại cảnh, khi đồng ruộng sạch sâu bệnh, không bị hạn hán do được tiếp nước từ đại thủy nông Ngàn Trươi - Cẩm Trang thì còn có sự chủ động sản xuất, thay đổi tư duy về thời vụ, cơ cấu giống của bà con nông dân.

Mênh mông một biển lúa vàng…

Được nắng, rơm rạ của lúa hè thu vàng óng, người nông dân tranh thủ thu gom để làm thức ăn khô cho trâu bò

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, thời vụ thu hoạch hè thu của các địa phương khá đồng đều. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 10.000 ha, đạt gần 30% tổng diện tích. Năng suất dự kiến đạt trên 46 tạ/ha, cao hơn hơn 5 tạ/ha so với vụ hè thu 2019.

Mênh mông một biển lúa vàng…

Vụ sản xuất hè thu luôn tiềm ẩn mất mùa bởi thiên tai. Trận dông lốc chiều 26/8 đã khiến 450 ha lúa hè thu sắp thu hoạch trên địa bàn huyện Can Lộc bị gãy đổ (ảnh Vỹ Huy).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định: “Được mùa vụ lúa hè thu có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Không chỉ bù đắp vào cán cân tăng trưởng chung của toàn tỉnh mà còn bảo toàn an ninh lương thực và sự ổn định tình hình chính trị. Mặc dù điều kiện sản xuất khó khăn, tình hình nắng hạn, thời vụ bức bách nhưng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã đưa nông nghiệp giành thắng lợi, thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế”.

Mùa lúa chín bời bời. Càng vào mùa thu hoạch rộ, không khí càng khẩn trương. Những đồng lúa trĩu bông đang thôi thúc bà con nông dân nhanh chóng hoàn thành vụ lúa thứ 2 trong năm trước ngày 10/9 để hưởng niềm vui trọn vẹn khi mưa lũ chưa kịp về.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.