Một buổi sáng mùa thu dịu mát, cô con gái nhỏ bỗng nhiên cất tiếng hỏi: “Mẹ ơi, bao giờ con lại được đi học”. Hóa ra, nỗi đợi chờ năm học mới là lời hẹn vô hình trong tất cả tâm tư học trò, để mỗi mùa tựu trường lại xôn xao niềm mong ngóng… Câu hỏi của cô con gái nhỏ như một cái click chuột vào “folder ký ức” để mở ra bao nhiêu file hình ảnh, âm thanh của những ngày xưa cũ.
Ở Việt Nam, mùa thu đến độ đẹp nhất là báo hiệu của mùa tựu trường sắp đến...
Đối với bao thế hệ học sinh Việt Nam, mỗi khi mùa thu đến độ đẹp nhất chính là mùa tựu trường với bao niềm háo hức. Chiếc khăn quàng mới đỏ thắm trên vai áo học trò, chiếc áo mới còn thơm mùi vải và những trang sách mới mở ra bao nhiêu bài học hay cứ thôi thúc niềm ngóng đợi.
Tôi nhớ, cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 của tôi hồi đó được in bằng giấy màu nâu. Những cuốn sách xin lại của các anh chị lứa trước trở nên mới mẻ khi được mẹ bọc lại cẩn thận bằng những tờ họa báo Liên Xô mà bố gửi về từ Hà Nội. Năm nào cũng vậy, cứ lên một lớp, mẹ lại sửa soạn bọc sách vở cho tôi bằng những tờ họa báo ấy. Tôi sung sướng, hãnh diện lắm vì tờ họa báo rất đẹp, giấy trắng và có độ bóng nhẹ, có trang in màu và khá bền. Bởi thế, sách vở của tôi dẫu cũ vẫn cứ thơm thơm mùi mới là vậy…
Tôi là đứa rất coi trọng sách vở, những cuốn sách của tôi luôn sạch sẽ. Khi tôi đã lớn hơn một chút, ý thức được rằng, những cuốn sách của mình sẽ còn dành lại cho những đứa em khác, tôi càng gìn giữ cẩn thận hơn. Thậm chí, trước khi mang chúng cho các em, tôi còn bọc lại rất cẩn thận. Tôi tin, những cuốn sách thơm tho sẽ gợi nhiều hứng thú hơn cho người học…
Nhiều phụ huynh muốn tự bọc sách vở cho con bước vào năm học mới bởi họ muốn gửi vào đó hương vị của tình thân, của sự quan tâm dịu dàng, ấm áp.
Có lẽ cũng đã trải qua những vùng ký ức như tôi mà ngày nay, trước mỗi năm học mới, rất nhiều phụ huynh đã tự tay mua sách vở về bọc cẩn thận cho con. Cùng với mùi giấy mới, họ còn muốn gửi vào đó hương của tình thân, của sự quan tâm dịu dàng, ấm áp. Để mỗi lần đến lớp, mở sách vở ra học, các con của mình đều cảm nhận được sự cận kề, dõi theo của cha mẹ mà an tâm, vững vàng và nỗ lực hơn trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.
Tôi đã xúc động nghẹn ngào khi con gái sung sướng đọc tên mình trên chiếc nhãn vở xinh xinh và thầm thì nói: “Vì mẹ yêu con nên mẹ viết chữ đẹp thế này à mẹ!”. Và ngoài kia, có bao nhiêu đứa trẻ như con tôi, cũng đã cảm nhận được điều đó, để thấy vui với sách vở mới, để thấy hân hoan, háo hức mỗi lần mở cặp, đem sách vở ra để học bài mới rồi hãnh diện khoe với bạn bè đây là chữ của mẹ mình, bố mình, đây là sách vở mà bố, mẹ đã bọc cho mình…
Với người Việt, thời điểm mùa thu chín chính là mùa tựu trường. Tiềm thức ấy có thể được báo bằng mùa quả chín, bằng một sắc hoa, bằng một màu ánh sáng nào đó không thể gọi tên. Và khi những điều đó trở lại trong tầm mắt, trong tâm tư, người ta tự khắc nhớ đến tiếng trống khai trường, nhớ buổi chào cờ trang nghiêm trong tiếng Quốc ca hùng hồn rồi đưa nhau đi mua sắm sách vở mới cho con cái mình…
Năm nay cũng vậy, dẫu vừa phải trải qua một năm học với nhiều biến động do dịch bệnh COVID-19, người người vẫn sắm sửa tất cả mọi thứ, tin tưởng, hy vọng, chờ đợi tiếng trống khai trường sẽ đến đúng hẹn. Cùng với việc chuẩn bị sách, áo mới của phụ huynh, học sinh, các trường học đều đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất cho năm học mới, nhất là ở những trường vừa được trưng dụng làm khu cách ly tập trung cho các trường hợp F1 và các công dân trở về từ vùng dịch.
Mua sắm sách vở mới, chuẩn bị đón năm học mới là niềm háo hức của nhiều học sinh.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành giáo dục - đào tạo và tất cả phụ huynh, học sinh lại phải chuẩn bị một tâm thế mới để ứng biến. Rất có thể, năm học này, học sinh sẽ phải học trực tuyến nhiều hơn, sẽ chẳng được đến trường gặp gỡ thầy cô, bạn bè như xưa nay vẫn thế. Dẫu vậy, niềm hân hoan với những bài dạy, bài học mới vẫn không ngừng ngân lên trong trái tim các thế hệ thầy trò. Đối diện với dịch bệnh, các thầy cô cũng đã có những sự chuẩn bị kỹ càng, thiết kế cho bài giảng trực tuyến sao cho hấp dẫn học trò; các em học sinh cũng đã tham khảo các phương pháp để có thể học sao cho hiệu quả...
Và đâu đó, trong đời sống, nhiều người cũng đang nỗ lực dành dụm để có thể sắm sửa sách, áo tinh tươm cho con em mình; đâu đó trong xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân cũng đang cố gắng quyên góp để có thể sẻ chia khó khăn với trẻ em nghèo, những mong các em được bắt đầu năm học mới với đầy đủ sách, áo mới như bạn bè cùng trang lứa.
Người Hà Tĩnh hiếu học, người Hà Tĩnh đượm nồng nhân nghĩa... những truyền thống ấy lại một lần nữa thắp sáng trong ý chí, trong tình cảm bao người khi thanh âm tiếng trống khai trường vọng tới. Dẫu năm học mới có thể bắt đầu bằng hình thức mới nhưng có hề chi khi ai ai cũng đã sửa soạn đủ đầy sách, áo mới với niềm háo hức mới, tâm thế mới...