Mùa xuân đại thắng trong ký ức của đôi bạn cựu chiến binh ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Gần 50 năm đã trôi qua nhưng mỗi độ tháng tư về, ký ức hào hùng về một thời máu lửa, về những năm tháng thanh xuân sôi nổi, nhiệt huyết vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của đôi bạn thân cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thanh - Phan Quốc Trị (Nghi Xuân - Hà Tĩnh).

Những năm tháng không thể nào quên

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thanh (SN 1949) quê ở tổ dân phố 11, thị trấn Xuân An, còn cựu chiến binh Phan Quốc Trị (SN 1949), sinh ra và lớn lên ở thôn Yên Ngọc, xã Xuân Yên (Nghi Xuân).

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thanh (bên phải) và cựu chiến binh Phan Quốc Trị (bên trái) là người đồng hương, đồng trang lứa đã cùng nhau vào sinh ra tử.

Như một cơ duyên, hai người bạn đồng hương, đồng trang lứa khoác ba lô lên đường nhập ngũ cùng một ngày, biên chế cùng một đơn vị và sát cánh bên nhau trong từng trận đánh, trải qua những thời khắc lịch sử thiêng liêng của đất nước.

Ngày 14/2/1968, hai chàng trai Xứ Nghệ lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 7 - Sư đoàn 350 (Quân khu III) tại Quảng Ninh để huấn luyện chiến đấu. Hành trang mà hai chàng trai trẻ mang theo là sự sôi nổi, nhiệt huyết của tuổi trẻ và lý tưởng cao đẹp quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Ông Thanh kể về những trận đánh ác liệt mà ông cùng đồng đội đã tham gia.

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chiến sỹ mới, tháng 4/1968, đơn vị của các ông hành quân vào Quảng Trị. Tại đây, hai ông được bổ sung vào đơn vị chiến đấu của Trung đoàn 48 - Sư đoàn 320A - đơn vị được mệnh danh là “quả đấm thép” của Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ. Đây là sư đoàn cơ động, đã ghi danh với những trận đánh lớn trên vùng đất lửa Quảng Trị và với những trận đánh ác liệt, chiếm các cứ điểm quan trọng, tạo đường đi an toàn cho quân ta chi viện vào miền Nam, cắt đứt đường chi viện từ Lào, Thái Lan của địch. Chiến trường Quảng Trị, Nam Lào cũng chính là nơi “thử lửa”, rèn ý chí cho những người lính vững vàng bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Tháng 12/1971, sau khi được củng cố lực lượng, chúng tôi lên đường nhận nhiệm vụ “đi B dài” với một tinh thần quyết tâm cao đã được lãnh đạo Sư đoàn quán triệt “Đi sâu, đi lâu, đi dài đến thắng lợi hoàn toàn”. Chúng tôi hiểu rằng, chuyến đi này sẽ quyết định sinh mệnh lịch của cả dân tộc” - ông Trị chia sẻ.

Ông Trị bồi hồi nhớ lại thời khắc lịch sử khi quân ta toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 320A, cùng với các đơn vị khác trong Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ chặn đánh Sư đoàn 25 của địch tại Gò Dầu, Trảng Bàng (Tây Ninh); cắt đường 1B, bao vây, chia cắt không cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa điều các đơn vị ở Tây Bắc Sài Gòn về Đồng Dù (Củ Chi). Cùng với đó, sẽ tiến đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, sân bay Tân Sơn Nhất; các quận Tân Bình, Phú Nhuận, đưa một bộ phận lực lượng thọc sâu, hợp điểm với các đơn vị khác tại Dinh Độc Lập.

Sáng ngày 29/4/1975, Sư đoàn 320A tiến công vào căn cứ Đồng Dù (Củ Chi). Vì đây là căn cứ có vị trí chiến lược, được Mỹ mệnh danh là “tia chớp nhiệt đới” nên hai bên giao tranh vô cùng ác liệt, Đồng Dù như một biển lửa. Đến 11h30’ cùng ngày, quân ta hoàn toàn làm chủ được căn cứ Đồng Dù, mở toang cánh cửa thép, tạo điều kiện cho các cánh quân đánh vào nội thành Sài Gòn.

Sau khi đập tan căn cứ Đồng Dù, đơn vị tiếp tục được giao nhiệm vụ truy quét tàn quân địch, đồng thời, củng cố lực lượng, sẵn sàng hỗ trợ các cánh quân tiến đánh Sài Gòn. Sáng ngày 30/4/1975, quân ta từ các hướng đồng loạt tấn công, kiểm soát các cứ điểm quan trọng của địch. Xe tăng của ta dũng mãnh tiến vào Dinh Độc Lập; 11h30’, cờ giải phóng đã kiêu hãnh tung bay trên nóc dinh.

“Chúng tôi nhận tin toàn thắng khi đang sẵn sàng tay súng để chi viện cho các cánh quân đánh vào bên trong. Đó là giây phút vỡ òa cảm xúc. Chúng tôi ôm lấy nhau mà khóc trong mừng tủi. Vui mừng, hạnh phúc vì chiến thắng đã về ta nhưng cũng chính trong giây phút đó, chúng tôi quặn lòng khi nghĩ về đồng đội mình, những người đã ngã xuống” - ông Thanh nghẹn ngào nhớ lại giây phút lịch sử hào hùng.

Nghĩa đồng đội, tình đồng hương

Trong dòng ký ức về những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, đầy nhiệt huyết của đôi bạn cựu chiến binh còn in đậm những câu chuyện tình đồng đội, đồng hương trong gian khổ, hy sinh. Ông Trị vẫn không thể quên được trận sốt rét quái ác kéo dài 3 tháng trời khi ông đang cùng đơn vị chiến đấu ở chiến trường Nam Lào.

Đôi bạn thân đã cùng nhau đi qua những năm tháng sôi nổi của tuổi trẻ và khi về già vẫn luôn sẻ chia buồn vui trong cuộc sống.

“Thời điểm đó, phần lớn quân số của đơn vị bị sốt rét. Tôi là một trong những người bị rất nặng, không thể ăn uống được gì, cứ ngỡ sẽ không qua khỏi. Và anh Thanh đã luôn ở bên cạnh. Từng miếng lương khô được anh tán nhỏ rồi hòa vào nước, đút từng thìa cho tôi uống. Anh luôn an ủi, động viên tôi phải gắng sống để còn chiến đấu, để còn cùng nhau trở về quê hương” - ông Trị kể lại.

Suốt nhiều năm trong quân ngũ, hai người bạn đều có may mắn được sinh hoạt, chiến đấu cùng nhau nên tình bạn, tình đồng chí, đồng hương càng thêm gắn bó sâu nặng. “Mỗi khi nhớ nhà, anh em tôi thường ê a những câu hát dân ca ví, giặm, hát “Thần sấm ngã”, nói với nhau chuyện gia đình, làng xóm, chia sẻ những dự định khi đất nước hòa bình... Nỗi nhớ nhà cũng vì thế mà nguôi ngoai đi nhiều. Buồn vui, gian khổ, sống chết có nhau, chúng tôi coi nhau còn hơn cả anh em ruột thịt” - ông Thanh chia sẻ.

Tình đồng đội, đồng hương luôn gắn bó keo sơn.

Không chỉ chăm sóc, động viên nhau trong sinh hoạt hằng ngày, hai người lính trẻ còn hứa với nhau cùng nỗ lực lập chiến công, phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Và họ đã trở thành “đôi bạn cùng tiến” khi ông Thanh được kết nạp Đảng vào ngày 3/2/1973, còn ông Trị được kết nạp ngày 19/5/1974 ngay tại chiến trường Tây Nguyên. Hai ông đều được tặng thưởng những huân, huy chương cao quý như: Huân chương Chiến sỹ giải phóng, Huân chương Chống Mỹ cứu nước, Huân chương Kháng chiến; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huy chương Giải phóng...

Cùng đơn vị với hai ông còn có những người đồng hương Nghệ Tĩnh. Họ đã cùng nhau kề vai sát cánh trong mưa bom bão đạn, trong những giờ phút sinh tử. Liệt sỹ Trần Bốn (quê xã Xuân Viên) là một trong những người đã anh dũng hy sinh vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Chính tay những người đồng hương, đồng đội đã an táng liệt sỹ trong nỗi tiếc thương nghẹn ngào. Nhìn anh em, đồng đội mình ngã xuống, người cứng cỏi đến mấy cũng không khỏi nhói lòng. Và họ luôn động viên nhau tinh thần phải “vững như thép, như đồng”.

Ông Thanh bùi ngùi nhớ về những người đồng đội.

May mắn hơn nhiều đồng đội, sau chiến tranh, ông Thanh và ông Trị được cùng nhau trở về. Sau những năm tháng công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, các ông lại về đóng góp cho phong trào ở địa phương. Với uy tín của mình, ông Thanh được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 11, thị trấn Xuân An; ông Trị có 14 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Yên Ngọc (xã Xuân Yên).

Ông Nguyễn Việt Dũng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nghi Xuân cho biết: “Hai ông Nguyễn Hữu Thanh và Phan Quốc Trị là những hội viên rất tích cực tham gia công tác hội, sống chan hòa, nghĩa tình với anh em đồng đội. Anh dũng trong chiến đấu, gương mẫu, bình dị trong cuộc sống thời bình, các đồng chí ấy xứng đáng là những tấm gương sáng cho thế hệ sau học tập”.

Tháng 4 này, hai người bạn thân - cũng là đồng hương, đồng đội lại mang trên mình màu xanh áo lính, khoác ba lô lên đường thăm chiến trường xưa - nơi đã ghi dấu những năm tháng cuộc đời tươi đẹp, sôi nổi nhất của họ.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói