Mục sở thị mô hình nuôi bò “cơ bắp” của nông dân TP Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mô hình nuôi bò 3B của HTX Chăn nuôi bò Đồng Môn (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) bước đầu mang lại tín hiệu tích cực, mở ra triển vọng nâng cao nguồn thu nhập cho người dân.

Video: Mô hình nuôi bò 3B của HTX Chăn nuôi bò Đồng Môn

Đầu năm 2022, HTX Chăn nuôi bò Đồng Môn bắt tay vào thực hiện mô hình chăn nuôi bò nhốt chất lượng cao (bò 3B) với quy mô đầu tư trên 1 tỷ đồng, từ nguồn vốn tự có của các xã viên. HTX có 13 thành viên tham gia nuôi gần 100 con, tập trung tại 3 thôn: Trung Tiến, Quyết Tiến, Tiền Tiến.

Mục sở thị mô hình nuôi bò “cơ bắp” của nông dân TP Hà Tĩnh

Anh Đặng Đình Lương - Giám đốc HTX Chăn nuôi bò Đồng Môn phấn khởi khi tết năm nay, đàn bò 3B đã có thể xuất bán.

Trên diện tích đất tích tụ gần 1 ha, anh Đặng Đình Lương - Giám đốc HTX Chăn nuôi bò Đồng Môn đầu tư cơ sở vật chất, chuồng trại chăn nuôi hơn 30 con bò 3B. Anh Lương chia sẻ: “Giống bò 3B là giống bò thịt có nguồn gốc từ Bỉ và lai tạo với nhiều giống bò địa phương. 3B là tên viết tắt của giống bò Blanc Bleu Belg với đặc tính có cơ bắp phát triển siêu trội, chuyên nuôi để lấy thịt cao sản. Sau thời gian chăm sóc, tôi thấy đàn bò sinh trưởng, phát triển đồng đều và thích ứng tốt với điều kiện chăn nuôi. Sau gần 1 năm, trại nuôi đã có thêm 3 bê con ra đời”.

Mục sở thị mô hình nuôi bò “cơ bắp” của nông dân TP Hà Tĩnh

Giống bò 3B tăng trưởng nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống bò truyền thống.

Giống bò 3B có nhiều ưu điểm vượt trội như: thích ứng tốt với môi trường, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, tăng trọng nhanh. Nguồn thức ăn cho bò chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp đơn giản, dễ tìm như: rơm rạ, cỏ, cám gạo; không tốn công chăn thả. Khi xuất bán, mỗi con đạt trọng lượng từ 500 - 600 kg, nặng gấp 2 lần so với giống bò thông thường. Giá bán tùy thuộc vào trọng lượng, thể trạng của từng con bò nhưng không dưới 50 triệu đồng/con, đem lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng cho người nuôi.

Hiện, anh Lương là người có số lượng bò 3B nhiều nhất HTX Chăn nuôi bò Đồng Môn. Các xã viên còn lại, mỗi hộ chăn nuôi từ 3 - 10 con.

Mục sở thị mô hình nuôi bò “cơ bắp” của nông dân TP Hà Tĩnh

Sau gần 1 năm, trại nuôi của anh Đặng Đình Lương đã có thêm bê con ra đời.

Tại thôn Trung Tiến, anh Trần Cát Lượng - thành viên HTX Chăn nuôi bò Đồng Môn đã tận dụng quỹ đất vườn nhà rộng lớn, đầu tư hơn 100 triệu đồng nâng cấp chuồng trại và mua 10 con bò 3B với tổng trị giá 250 triệu đồng.

Anh Lượng cho biết: “Để nuôi bò thịt tăng trọng nhanh trước tiên phải chọn mua giống tốt. Bò giống phải có trọng lượng từ 250 kg trở lên, không mang mầm bệnh, thân cao, mình dài, vóc dáng khỏe, cơ bắp phát triển đều. Mỗi con bò giống có giá từ 24 - 25 triệu đồng, nuôi khoảng từ 8 - 10 tháng. Trước khi xuất bán khoảng 3 tháng là giai đoạn bắt đầu “vỗ béo” cho bò. Ở giai đoạn này, tôi bổ sung thêm thức ăn tinh. Cuối năm nay, dự kiến có 4-5 con sẽ được xuất bán. Sau khi trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc, gia đình tôi sẽ có thêm nguồn thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/con”.

Hiện nay, tại trại chăn nuôi của anh Lượng đang có 2 lao động làm việc thường xuyên. Thời điểm công việc nhiều, anh còn thuê thêm nhân công thời vụ.

Mục sở thị mô hình nuôi bò “cơ bắp” của nông dân TP Hà Tĩnh

Anh Trần Cát Lượng thuê lao động thực hiện phối trộn thức ăn theo tỉ lệ cho đàn bò 3B.

Để có những thành công bước đầu này, các thành viên HTX đã dày công tìm hiểu về con nuôi, tính thích ứng trước khi đưa con nuôi vào thử nghiệm. Quá trình chăm sóc, ngoài các đầu tư về cơ sở hạ tầng, nguồn thức ăn, các thành viên còn được sự định hướng, hỗ trợ kỹ thuật của Hội Nông dân xã, Phòng Kinh tế - hạ tầng thành phố nhằm đảm bảo tuân thủ quy trình kỹ thuật, vệ sinh thú y và phòng chống bệnh dịch.

Anh Nguyễn Văn Đức ở thôn Tiền Tiến cho biết: “Đối với nuôi bò 3B, chuồng trại phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Các ngăn nuôi nhốt, nơi để thức ăn, nước uống được bố trí khoa học, đảm bảo vệ sinh cho vật nuôi cũng như tiết kiệm thời gian và giảm sức lao động cho công nhân. Đặc biệt, chúng tôi tuân thủ việc tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi theo định kỳ. Ngoài ra, chúng tôi còn cho đàn bò nghe nhạc để giảm stress, như thế cũng giúp cho quá trình sinh trưởng đàn bò tốt hơn. Hiện, tôi đã thực hiện tiêm đủ hai loại vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho 6 con bò để chuẩn bị xuất bán ra thị trường vào cuối năm”.

Mục sở thị mô hình nuôi bò “cơ bắp” của nông dân TP Hà Tĩnh

Bước đầu, mô hình chăn nuôi bò nhốt chất lượng cao (bò 3B) ở xã Đồng Môn thích ứng với điều kiện tự nhiên và cho hiệu quả kinh tế khá

Do quá trình sinh trưởng nhanh nên nhu cầu dinh dưỡng của bò 3B khá lớn, tối thiểu lượng thức ăn một ngày phải đạt 2,5% so với trọng lượng cơ thể. HTX Chăn nuôi bò Đồng Môn đã tận dụng gần 1 ha đất trống từ diện tích đất tích tụ của xã để trồng cỏ voi. Các xã viên liên kết với một số hộ trên địa bàn trồng và thu mua cỏ voi, phụ phẩm nông nghiệp để chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi. Đây cũng là cơ sở đặt nền móng để HTX xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Cùng đó, để bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp tuần hoàn, các thành viên HTX thực hiện quy trình ủ phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi để chăm bón cho các loại cây trồng. Đồng thời, kết nối với một số HTX sản xuất rau, củ, quả trên địa bàn tiêu thụ số chất thải còn dư thừa từ chuồng trại.

Mục sở thị mô hình nuôi bò “cơ bắp” của nông dân TP Hà Tĩnh

Vùng trồng cỏ voi được người dân cắt thường xuyên và trồng mới.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Môn Trần Văn Đảm thông tin: “Mô hình chăn nuôi bò nhốt chất lượng cao là một trong 11 dự án, mô hình nông nghiệp gắn với tích tụ, tập trung ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2019 - 2022 của TP Hà Tĩnh. Mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, vượt trội so với nuôi bò truyền thống; khai thác được lợi thế của địa phương và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của người dân. Hiện nay, xã đang hỗ trợ HTX hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để hưởng các chính sách theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Tĩnh về một số cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2023 (Nghị quyết 15).

Cùng đó, xã sẽ vận động, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình nuôi bò 3B để phát triển kinh tế hộ gia đình; tuyên truyền để người dân hấp thu tốt các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là Nghị quyết 15 nhằm khai thác tốt thế mạnh của địa phương, phát triển nông nghiệp đô thị cũng như “tiếp sức” cho người nông dân nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.