Mũi nhọn kinh tế vùng trà sơn

(Baohatinh.vn) - Những vườn cam, bưởi trĩu cành, những mô hình trang trại liên kết tiềm năng đang là thế mạnh giúp các xã trà sơn Can Lộc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, để người dân vùng đất nhiều gian khó một thời vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.

Thế mạnh cây ăn quả

“Vùng trà sơn Can Lộc khá rộng lớn, ôm trọn các xã: Thượng Lộc, Gia Hanh, Phú Lộc, Thường Nga, Quang Lộc, Sơn Lộc, Mỹ Lộc và Đồng Lộc. Địa hình chủ yếu đồi núi, chất đất, khí hậu đặc trưng là điều kiện tự nhiên thuận lợi để vùng phát triển mạnh cây ăn quả, đặc biệt là loại cây có múi”, Trưởng phòng Nông nghiệp Can Lộc - Phan Văn Cường giới thiệu khi dẫn chúng tôi tham quan các mô hình.

Năm 1996, thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, gia đình chị Phan Thị Hiền (xóm Anh Hùng - xã Thượng Lộc) quyết tâm đầu tư trồng cây ăn quả. Thử nghiệm qua nhiều giống cây, cuối cùng, cam chanh đã “bén duyên” đất Thượng Lộc. Từ bấy đến nay, chị Hiền mạnh dạn phát triển cam chanh theo hướng thâm canh và hiện đã có 1.000 gốc; trong đó, 250 gốc cho thu hoạch chính, 105 gốc thu hoạch bói, đưa về nguồn thu 1 tỷ đồng, lợi nhuận trên 700 triệu đồng/năm.

Mũi nhọn kinh tế vùng trà sơn ảnh 1

Mô hình chăn nuôi lợn liên kết quy mô 600 con/lứa của gia đình anh Nguyễn Hải Đường (xóm Hồng Sơn - xã Phú Lộc)

Chị Hiền chia sẻ: “Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật cùng sự đầu tư, tâm huyết của người trồng, mỗi năm, gia đình tôi cung ứng khoảng 18 tấn cam cho thị trường. Cam chanh Thượng Lộc ngọt đậm đà, rất thơm và không xốp, đặc trưng so với cam chanh các vùng”.

Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc - Nguyễn Viết Chuân cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, địa phương phát triển mạnh cây ăn quả, trong đó, cam chanh, bưởi Phúc Trạch được xác định là giống cây chủ lực, hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã hiện có 92 ha cam, 15 ha bưởi, tập trung ở các xóm Anh Hùng, Thanh Mỹ, Nam Phong, Trà Sơn. Đặc biệt, với 2 HTX chuyên sản xuất giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp, mỗi năm, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 3 vạn cây giống”.

“Nguồn thu lớn, 1 ha cam đạt trên 1 tỷ đồng, 1 ha bưởi tương đương 600-700 triệu đồng. Do vậy, từ nay đến năm 2020, Thượng Lộc tập trung mở rộng diện tích cây ăn quả lên 200-220 ha theo hướng thâm canh với sự đầu tư chất lượng giống, phân bón, kỹ thuật… để đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, xã đang hoàn thiện các thủ tục xây dựng thương hiệu cam Thượng Lộc, tạo điểm nhấn cho nông nghiệp huyện nhà” - ông Chuân nhấn mạnh.

Không chỉ Thượng Lộc mà các xã Phú Lộc, Thường Nga, Sơn Lộc, Mỹ Lộc… cũng chuyên canh trồng cây ăn quả. Anh Lê Duy Tiếu - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phú Lộc cho biết: “Bên cạnh giống cây chủ lực cam, bưởi, những năm gần đây, Phú Lộc và các xã trà sơn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả bằng các chương trình, dự án trồng chè, cà, khoai, ngô, ớt cay, gấc… đem lại nguồn thu khá cho người dân”.

Tăng cường chăn nuôi liên kết

Trang trại lợn quy mô 600 con/lứa của gia đình anh Nguyễn Hải Đường (xóm Hồng Sơn) là một trong nhiều mô hình liên kết tại xã Phú Lộc khẳng định tiềm năng của hướng chăn nuôi thâm canh hàng hóa. Anh Đường chia sẻ: “Sau quá trình nuôi nhỏ lẻ, bấp bênh, cuối năm 2013, tôi quyết định đầu tư 700 triệu đồng xây 2 chuồng khép kín, nuôi liên kết với Mitraco Hà Tĩnh. Lứa nuôi đầu tiên cho hiệu quả rõ nét khi thu lãi gần 100 triệu đồng. Đặc biệt, điều tôi yên tâm nhất là được công ty đảm bảo về giống, kỹ thuật, thức ăn và đầu ra, đó chính là điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thiện quy trình chăn nuôi theo hướng bền vững”.

Cam Thượng Lộc đã thành đặc sản

Cam Thượng Lộc đã thành đặc sản

Ông Nguyễn Hữu Hài - Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho hay: “Những năm gần đây, với xu hướng đẩy mạnh chăn nuôi thâm canh, địa phương đã hình thành hàng chục mô hình kinh tế hiệu quả, đặc biệt là khi liên kết với doanh nghiệp. Theo đó, xã có 1 mô hình chăn nuôi lợn quy mô 1.200 con/lứa, 3 mô hình dưới 700 con, 11 mô hình vừa và nhỏ quy mô 20-25 con/lứa; 33 mô hình nuôi bò liên kết với Mitraco. Nhờ đó, đời sống người dân được nâng cao, góp phần quan trọng xây dựng các tiêu chí NTM của địa phương”.

Trước đây, Thường Nga còn nhiều khó khăn, nhưng nay, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, hướng vào chăn nuôi liên kết, đã trở thành điểm sáng về sản xuất nông nghiệp của huyện, phấn đấu về đích NTM năm 2015. Bằng nhiều giải pháp, vận dụng các cơ chế, chính sách của tỉnh và huyện, địa phương tích cực vận động người dân mở rộng đầu tư sản xuất. Chủ tịch UBND xã Đường Trọng Hữu cho biết: “Thường Nga có 5 mô hình chăn nuôi doanh thu trên 1 tỷ đồng, 2 mô hình từ 500 triệu - 1 tỷ đồng, 26 mô hình từ 100-500 triệu đồng, chủ yếu tập trung chăn nuôi lợn liên kết và bò thịt chất lượng cao”.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc - Phan Văn Cường khẳng định: “Với tiềm năng, thế mạnh riêng của vùng trà sơn, huyện đang từng bước hoàn thiện vùng quy hoạch sản xuất cây ăn quả, trong đó, xác định cụ thể vùng trồng, nhân rộng giống cây giá trị cao; đồng thời, phát triển chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, quy mô vừa và nhỏ, tiến tới xây dựng chuỗi sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh theo hướng sản xuất hàng hóa”.

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.