Muốn phát hiện tiêu cực, gian lận, cứ hỏi dân là biết hết!

Những hành động mờ ám, khuất tất, gian dối... tưởng rằng đã được che đậy kỹ lưỡng nhưng khó lòng qua được “tai mắt nhân dân”.

Vụ gian lận thi cử gây rúng động dư luận những ngày qua, một trong các yếu tố quan trọng giúp cơ quan chức năng vào cuộc là chính các em học sinh và các bậc phụ huynh đã dám lên tiếng. Hơn ai hết, họ thấy sự bất thường, bất công khi điểm thi cao không thuộc về những thí sinh xuất sắc, đồng thời lại tập trung ở một số em học sinh “con ông cháu cha” hoặc gia đình có điều kiện. Họ lên tiếng để đòi lại sự công bằng cho chính mình và hàng vạn em học sinh khác.

Trước đó, nhiều vụ bổ nhiệm theo kiểu “thần tốc” hay bổ nhiệm “ồ ạt” trước khi nghỉ hưu, các vụ tham nhũng hay biển thủ công quỹ... phần nhiều cũng do quần chúng – những người ở ngay chính cơ quan, đơn vị đó phát giác. Họ không dám công khai chống tiêu cực nhưng bằng cách này hay cách khác, chuyển tải thông tin đến cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan báo chí.

Muốn phát hiện tiêu cực, gian lận, cứ hỏi dân là biết hết!

Ảnh minh họa

Những hành động mờ ám, khuất tất, gian dối... tưởng rằng đã được che đậy kỹ lưỡng, tưởng rằng có “ô dù”chống lưng”, dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng, nhưng khó lòng qua được “tai mắt nhân dân”.

Cứ hỏi dân là biết hết! Một lão thành cách mạng đã kết luận như vậy khi nhìn vào những vụ tiêu cực, tham nhũng thời gian qua. “Nhân dân biết hết những ai làm gì, đúng đắn hay không đúng đắn nhưng những ý kiến đó có được cấp lãnh đạo, tổ chức Đảng tiếp nhận hay không?. Câu hỏi day dứt này, chỉ có các cơ quan chức năng mới trả lời được.

Vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình vừa qua là một ví dụ điển hình. Sau khi kết quả chấm thẩm định “đẹp như mơ” ở địa phương này được công bố, tưởng rằng, mọi việc sẽ “xuôi chèo, mát mái” cho đến khi một lá đơn nặc danh của người dân được gửi đến lãnh đạo tỉnh. Rất may, các cơ quan chức năng ở địa phương này đã nhanh chóng vào cuộc và bước đầu xác định: vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình còn tinh vi và xảo quyệt hơn nhiều so với Hà Giang và Sơn La!

Vậy, nếu người dân không dám lên tiếng, nếu như các quan chức ở địa phương này vì thành tích, vì sĩ diện mà ỉm đi, không xác minh kịp thời thì mọi chuyện sẽ đi về đâu?

Lại nhớ, trước thời điểm Vũ “nhôm” tức Phan Văn Anh Vũ phải tra tay vào còng số 8, dư luận ở Đà Nẵng đã râm ran với câu hỏi: Vũ “nhôm” là nhân vật nào mà có khả năng làm khuynh đảo thị trường bất động sản cũng như có thể can thiệp vào công tác cán bộ ở địa phương này? Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, câu hỏi cứ trở đi trở lại cho đến khi, lãnh đạo cao nhất của thành phố phải khẳng định chắc chắn: Các cơ quan chức năng sẽ có câu trả lời thỏa đáng, rằng: Vũ “nhôm” là ai?.

Dân biết cả đấy, “quan ngại” từ lâu. Niềm tin của họ tỷ lệ thuận với sự vào cuộc và xử lý của các cơ quan chức năng.

Rồi, những biệt thự, biệt phủ nguy nga của các quan chức ở những vùng quê nghèo hay tọa lạc ở những miếng đất vàng, đất bạc, đất kim cương…Những vụ việc tham nhũng, lạm thu, bớt xén tiền hỗ trợ của người nghèo, xà xẻo tiền đền bù, khuất tất trong trong thực hiện chính sách người có công, cấp đất không đúng thẩm quyền…đã bị người dân phanh phui. Hàng loạt vụ án tiêu cực, tham nhũng đã bị đưa ra ánh sáng cũng bằng cách đó.

“Tai mắt nhân dân” có ở khắp nơi, khách quan và trung thực nhưng không phải, ở đâu và lúc nào, vai trò giám sát ấy cũng được phát huy, được lắng nghe với thái độ trân trọng. Thế mới có chuyện “đảng viên sai phạm mà tổ chức Đảng không biết”. Đó là vì tính dân chủ chưa được phát huy tốt ở các cơ quan, địa phương. Tiếng nói của cán bộ, đảng viên trung thực không được lắng nghe với tinh thần cầu thị.

Trong nhiều trường hợp, người dân không muốn đi theo đường “chính ngạch” là gửi những bức xúc thông qua các kênh giám sát là Mặt trận tổ quốc hay các tổ chức, đoàn thể. Họ gửi trực tiếp ý kiến của mình đến cơ quan chức năng hoặc thông qua báo chí. Khi báo chí vào cuộc, công luận lên, các cơ quan chức năng có muốn “bình chân” cũng khó. Dám lên tiếng để góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, người dân chắc không bao giờ mong muốn sẽ được lĩnh thưởng hay tuyên dương!

Có lẽ, chẳng cần đợi đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với việc đề cao vai trò giám sát của báo chí và người dân, từ rất lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến cốt lõi của dân chủ là “làm sao cho dân được mở miệng ra”.

Chừng nào dân còn tâm huyết, dám “mở miệng” để đấu tranh với cái xấu là chừng đó, các cơ quan chức năng có được “cánh tay nối dài” để thực thi công vụ. Chừng nào, cán bộ còn coi thường “tai mất nhân dân”, lộng quyền, lạm quyền, hành động ngang ngược và lộ liễu thì chừng đó, họ tự tra tay vào còng số 8, đừng hỏi “tại sao”. Cứ hỏi dân là biết hết.

Theo VOV

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.