Mỹ tăng tốc trong cuộc đua vũ khí siêu thanh

Quân đội Mỹ đang dồn lực vào việc phát triển vũ khí siêu thanh trong bối cảnh cuộc đua chế tạo loại vũ khí này giữa các cường quốc quân sự ngày càng khốc liệt.

Theo CNN, Quân đội Mỹ gần đây đã tiến hành thành công một vụ phóng thử tên lửa tại cơ sở thử nghiệm chuyến bay Wallops ở bang Virginia. Tên lửa thực hiện 11 thí nghiệm khác nhau để kiểm tra và thu thập dữ liệu cho nghiên cứu vũ khí siêu thanh nhằm hỗ trợ chương trình chung của lục quân và hải quân nước này.

Đây là cuộc thử nghiệm thứ hai được thực hiện trong khuôn khổ chương trình tập trung vào việc phát triển cả khả năng siêu thanh trên biển và trên đất liền. Cuộc thử nghiệm đầu tiên đã được quân đội Mỹ tiến hành vào tháng 10-2021.

Theo một tuyên bố từ hải quân Mỹ, thiết bị liên lạc và định vị vũ khí siêu thanh cũng như các vật liệu tiên tiến đã được đánh giá về khả năng chịu được nhiệt trong “môi trường siêu thanh thực tế”. Dữ liệu thu thập từ các cuộc thử nghiệm sẽ giúp phát triển hệ thống vũ khí siêu thanh trong Chương trình “Vũ khí tấn công thông thường” của hải quân Mỹ và Chương trình “Vũ khí siêu thanh tầm xa” của lục quân nước này.

Hình ảnh mô phỏng tên lửa hành trình tấn công siêu thanh HACM. Ảnh: Raytheon

Vũ khí siêu thanh là loại vũ khí di chuyển với tốc độ lớn hơn Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh). Với khả năng di chuyển nhanh chóng, linh hoạt hơn nhiều so với vũ khí thông thường, vũ khí siêu thanh khó bị phát hiện và đánh chặn, tạo thách thức lớn đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến. Cả hai chương trình trên của lục quân và hải quân Mỹ đều sử dụng loại đạn có thể bay tới mục tiêu với tốc độ lớn hơn Mach 5.

Trước đó, theo trang Popular Mechanics, Lầu Năm Góc có rất nhiều tên lửa hành trình trong kho vũ khí của mình. Tuy nhiên, một loại tên lửa mới hoàn toàn khác biệt sẽ được cung cấp cho quân đội Mỹ trong những năm tới. Đó là tên lửa hành trình tấn công siêu thanh HACM. Tên lửa này sẽ là vũ khí đầu tiên trên thế giới sử dụng động cơ phản lực không khí. Hai tập đoàn sản xuất vũ khí Raytheon và Northrop Grumman đã giành được hợp đồng trị giá 985 triệu USD để phát triển tên lửa hành trình tấn công siêu thanh này.

Tên lửa hành trình tấn công siêu thanh HACM là một loại vũ khí chiến thuật được thiết kế để tấn công nhanh các mục tiêu trên mặt đất. Theo hợp đồng, quân đội Mỹ sẽ tiếp nhận những tên lửa đầu tiên để đưa vào trang bị trong năm 2027. Trong một tuyên bố, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Charles Q.Brown Jr. nhấn mạnh: “HACM sẽ cung cấp cho các chỉ huy sự linh hoạt trong chiến thuật để sử dụng máy bay chiến đấu tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao, nhạy cảm về thời gian, có nguy cơ gây rủi ro trong khi duy trì máy bay ném bom cho các mục tiêu chiến lược khác”.

Giới chức quân sự Mỹ từng thừa nhận Washington bị tụt hậu trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển vũ khí siêu thanh. Nhiều thập niên trước, Mỹ từng dẫn đầu về nghiên cứu các hệ thống siêu thanh, nhưng lại không chú trọng tới việc dùng công nghệ này để chế tạo vũ khí. Trong khi đó, những nước khác lại quyết định biến công nghệ này thành vũ khí. Theo Reuters, Lầu Năm Góc đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ chế tạo loại vũ khí siêu thanh nhằm đi trước các đối thủ về thời gian phản ứng cũng như cơ chế đánh bại truyền thống. Các tập đoàn sản xuất vũ khí như Lockheed Martin và Raytheon đang tích cực nghiên cứu để phát triển năng lực vũ khí siêu thanh của Mỹ.

Các chuyên gia nhận định, vũ khí siêu thanh có độ chính xác cao và khả năng di chuyển nhanh chóng sẽ giúp các nước tăng cường đáng kể năng lực quân sự. Do đó, Lầu Năm Góc coi việc phát triển vũ khí siêu thanh là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Theo QĐND

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói