Nặng sâu nghĩa đồng bào

(Baohatinh.vn) - Hai tiếng “đồng bào” (cùng chung một bọc) khởi nguồn từ huyền thoại mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, từ đó phát triển nòi giống Việt Nam. Qua bao nhiêu thế kỷ, hai tiếng ấy trở thành tiếng gọi thẳm sâu, thiêng liêng, gắn kết yêu thương với gần 100 triệu đồng bào trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Lời truyền dạy của cha ông đã trở thành lẽ sống cho các thế hệ cháu con, đời này sang đời khác. Chưa bao giờ hai tiếng “đồng bào” lại trở nên đẹp đẽ và có sức mạnh lạ kỳ như những ngày đất nước, quê hương chìm trong thiên tai, bão lũ và dịch bệnh. Những tấm lòng nhân ái, tình yêu thương giống nòi đã khiến hàng triệu con người xích lại gần nhau, san sẻ yêu thương, vun đắp niềm tin yêu cuộc sống, vun đắp nghĩa tình.

Nặng sâu nghĩa đồng bào

Những hình ảnh đầy nghĩa tình trong cơn lũ hồi tháng 10/2020 tại Hà Tĩnh

Còn nhớ năm 2020, các tỉnh miền Trung bị lũ dữ hoành hành khiến hàng trăm nghìn ngôi nhà ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An bị ngập sâu, nhiều hộ dân bị trôi hết nhà cửa, tài sản. Đặc biệt, 3 vụ sạt lở ở các công trình thủy điện: Rào Trăng 3 (Phong Điền - Huế), Hướng Hóa (Quảng Trị), Trà Leng (Nam Trà My - Quảng Nam) làm hàng chục cán bộ, chiến sĩ và người dân mất tích. Hàng triệu người xót xa buồn bã theo dõi từng dòng tin trên các báo đài, hàng triệu trái tim thổn thức, nhói buốt trước thiệt hại của đồng bào.

Chỉ ít ngày sau, từ lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam và lòng hảo tâm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong, ngoài nước, những chuyến xe từ mọi miền Tổ quốc, trong đó nhiều nhất là các tỉnh miền Nam, từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau đến TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận… đến các tỉnh Tây Nguyên nối đuôi nhau về miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh. Trong mưa gió, nhiều tổ chức, cá nhân, những đoàn xe mang băng rôn: “Hướng về đồng bào miền Trung” vẫn hối hả lên đường, để kịp thời cứu trợ lương thực, thực phẩm, quần áo, nước uống và tiền mặt cho bà con vùng tâm lũ.

Và ngay tại tâm lũ Hà Tĩnh, nơi khô ráo hỗ trợ nơi ngập lụt, nơi ngập ít thương nơi ngập nhiều, nhường cơm sẻ áo cho nhau, giúp nhau kê cao nhà cửa, chống ngập lụt. Hàng trăm tỷ đồng đã được chuyển về MTTQ, hội chữ thập đỏ các cấp và thông qua các cá nhân để gửi đến bà con. Những gia đình trôi hết nhà cửa, ngập hết thóc gạo đã được Nhà nước và cộng đồng hỗ trợ xây nhà, mua sắm vật dụng, cấp phát cây, con giống. Đến nay, cuộc sống đã hồi sinh trên những vùng quê nơi cơn lũ đi qua. Cùng với nhiều ngôi nhà mới mọc lên, 31 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ khang trang, tiện ích đã làm sáng đẹp các vùng quê, ấm tình dân với Đảng và bền chặt thêm nghĩa đồng bào.

Nặng sâu nghĩa đồng bào

Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ - công trình ấm nghĩa Đảng, tình dân trên nhiều miền quê Hà Tĩnh.

Dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam từ đầu năm 2020, khiến các hoạt động KT-XH trên toàn đất nước bị ngưng trệ, gây mất mát đau thương cho hàng chục nghìn gia đình. Nhưng qua “bão dịch” càng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị, sự điều hành của Chính phủ. Trong khó khăn, hoạn nạn càng chứng tỏ tấm lòng nhân ái cao cả của nhiều tổ chức, cá nhân, đồng bào trong nước và kiều bào xa Tổ quốc.

Khắp nơi trên cả nước, phong trào tương thân tương ái ủng hộ người cách ly, người điều trị bệnh, các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bằng “Bữa cơm nhân ái”, “Gian hàng không đồng”, “Chuyến xe không đồng”, hay giúp dân thu hoạch nông sản... Theo Ban Quản lý Quỹ Vắc-xin phòng chống COVID-19, đến chiều 14/10, quỹ đã tiếp nhận hơn 8.784 tỷ đồng (bao gồm ngoại tệ đã quy đổi) do 557.276 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị còn tổ chức quyên góp Quỹ Phòng chống COVID-19.

Nặng sâu nghĩa đồng bào

Một cụ bà tại phường Kỳ Thịnh hái bí đao từ vườn để ủng hộ đồng bào miền Nam.

Tại Hà Tĩnh, đến hết ngày 6/10, các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Phòng chống dịch COVID-19 với tổng số tiền và hàng hóa quy đổi trị giá 88 tỷ đồng. Trong số đó có nhiều người già, trẻ em. Cụ Vương Khả Lục (92 tuổi, ở xã Thạch Liên, Thạch Hà) đã ủng hộ 10 triệu đồng từ nguồn tiền dưỡng già của mình nhằm hỗ trợ ngăn chặn dịch COVID-19. Em Hồ Phúc Toàn - học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Phúc Lộc (Can Lộc) đã đạp xe đến UBND xã ủng hộ tiền tiết kiệm với số tiền 213.000 đồng.

Những ngày dịch bùng phát, hình ảnh lay động trái tim người dân cả nước là từng đoàn y, bác sĩ hướng về tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Những đoàn xe nối đuôi nhau chở lương thực, thực phẩm, rau xanh hướng về miền Nam với khẩu hiệu: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Từng dòng tin tức về số người bị nhiễm, số người chết làm nhói đau hàng triệu trái tim. Những hình ảnh về các y, bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội, tình nguyện viên, cán bộ thôn xóm, tổ dân phố, văn nghệ sỹ đã dũng cảm bước qua lằn ranh của sự sống và cái chết lao vào vùng tâm dịch với các hoạt động tình nguyện là biểu hiện sinh động của sự hy sinh cao cả vì cộng đồng, vì đất nước, quê hương.

Nặng sâu nghĩa đồng bào

Công dân Hà Tĩnh ở các tỉnh phía Nam đã có những cuộc trở về đầy xúc động trong nghĩa tình ấm áp của quê hương.

Để đưa người dân bị “mắc kẹt” do dịch bệnh hoặc hoàn cảnh khó khăn về quê hương, cũng như nhiều tỉnh, thành khác, Hà Tĩnh đã sớm tổ chức 1 chuyến tàu hỏa, 7 chuyến máy bay cho người lớn, thai phụ và trẻ em.

Qua cơn bĩ cực càng thấy tình yêu thương cộng đồng như ngọn lửa sưởi ấm cuộc đời. Ông Nguyễn Văn Việt (69 tuổi, thôn Tân Học, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cảm động nói: “Không thể diễn tả được cảm xúc vui sướng của vợ chồng tôi khi máy bay hạ cánh ở sân bay Vinh, được nhìn thấy từng đoàn xe buýt ra đón với dòng chữ “Hà Tĩnh mình thương”. Cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đưa đón chúng tôi, bà con xóm làng đã dành cho chúng tôi những lời động viên trong những ngày cách ly. Qua cuộc trở về này, tôi càng thấy yêu quê hương, gắn bó với cộng đồng nhiều hơn”.

Nặng sâu nghĩa đồng bào

Những chuyến xe đậm nghĩa tình của người Hà Tĩnh hỗ trợ đồng bào từ miền Nam về qua địa bàn.

Những ngày này, dòng người từ các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục trở về quê hương. Mệt mỏi, đói khát. Đón bà con là những điểm dừng chân dọc quốc lộ, cấp phát lương thực, nước uống, tiền, xăng, áo mưa, giày dép... Thành phố Đà Nẵng còn đổi 8 chiếc xe máy mới cho 8 gia đình do xe đã quá cũ không đảm bảo an toàn trên đường về.

Tại Hà Tĩnh, hàng chục chuyến xe buýt được trang bị đầy đủ phương tiện chống dịch hỗ trợ chở bà con qua địa bàn. Một gia đình ở phường Trần Phú còn dùng xe riêng chở một bà mẹ có con nhỏ mới sinh 5 ngày tuổi về Lào Cai; các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngoài cứu chữa còn tặng lương thực, thực phẩm và 2 triệu đồng cho 2 người dân về Hà Giang gặp tai nạn... Biết bao việc làm thầm lặng vì tình yêu thương cộng đồng mà bài viết nhỏ này không thể kể hết.

Cứ thế, như những mạch nước ngầm âm thầm tưới tắm cho cây đời xanh tốt, nghĩa tình của những người “cùng chung một bọc” đến rất tự nhiên, hồn hậu đã làm bền chặt thêm nghĩa đồng bào, tiếp thêm nghị lực sống cho hàng triệu con người, thắp lên niềm tin tươi sáng về một ngày mai đất nước sẽ yên bình, cuộc sống sẽ trở lại trạng thái bình thường mới.

Chủ đề Nhịp cầu nhân ái

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…