Chè Huế đã theo chân những phụ nữ đến từ cố đô và ở lại trong ẩm thực quen thuộc của người dân Hà Tĩnh hàng chục năm nay, tạo nên một nét vẽ đặc trưng trong bức tranh phố thị.
Người Huế vốn giản dị và lặng lẽ. Tính cách đó cũng thể hiện trong từng công việc. Gắn bó với Hà Tĩnh ngót nghét đã 30 năm, bà Bê bán đậu hũ đã quen thân với nhiều thế hệ lớn lên giữa Thành Sen. Chọn cho mình một góc nhỏ trên đường Phan Đình Giót, hàng ngày, cứ tầm 6h sáng, bà Bê cùng gánh hàng của mình đã sẵn sàng phục vụ khách.
Bà cho biết: “Hồi đầu mới ra, tôi phải gánh hàng đi khắp thành phố nhưng chỉ sau chừng dăm năm, tôi chỉ cần ngồi một điểm cố định là vẫn có thể bán hết hàng trong buổi sáng. Theo thời gian, thu nhập của tôi ngày càng cao, hiện nay, mỗi tháng, trừ tất cả chi phí, tôi còn tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng”.
Những gánh hàng rong của người Huế tại Hà Tĩnh còn có món chè Huế nổi tiếng. Chỉ với nguyên liệu đơn giản là bột lọc và đậu đen nhưng cách nấu và có lẽ cả cách bán hàng của các chị, các mẹ đã khiến món chè Huế trở thành món khoái khẩu của nhiều người. Ở Hà Tĩnh, hiện nay, có hàng chục người bán chè rong trên khắp các ngõ phố. Bà Nguyễn Thị Thu - một người bán chè lâu năm ở Hà Tĩnh cho biết: “Tôi từ Phú Vang ra đây đã gần 10 năm, tuy chỉ bán chè vào mùa hè nhưng thu nhập cũng đủ trang trải cho con cái ăn học. Đến nay, 2 đứa con tôi cũng theo mẹ ra đây làm ăn”.
Thâm nhập vào thế giới ẩm thực Hà Tĩnh, bánh mì Huế từ lâu cũng đã chiếm lĩnh thị trường bánh mì Hà Tĩnh. Với hương vị đặc biệt, bánh mì Huế không chỉ có mặt tại TP Hà Tĩnh mà còn mở rộng ra các huyện, thị. Và ở đâu cũng tồn tại, phát triển mạnh mẽ, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động. Chủ hiệu bánh mì Bin Bin ở đường Xuân Diệu cho biết: “Làm bánh mì là một nghề truyền thống ở Huế, tiệm của chúng tôi quy tụ toàn lao động trẻ bởi nghề này đòi hỏi có sức khỏe, sự cần cù. Mặc dù khá vất vả nhưng nghề làm bánh mì cũng giải quyết được việc làm cho nhiều lao động và cho thu nhập khá”.
Làm nên thương hiệu của người lao động Huế ở Hà Tĩnh là sự cần cù, chịu khó và giữ chữ “tín”. Trong suốt thời gian dài, khi người Huế tham gia lĩnh vực xây dựng thì uy tín, chất lượng đã đánh bật các lao động cùng nghề của địa phương. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đội ngũ thợ nề Huế có lịch sử cách đây hơn 30 năm và người đầu tiên khai mở đã được tôn vinh là ông Tổ nghề thợ nề ở Hà Tĩnh.
Anh Văn Viết Vinh - một chủ thầu trẻ tuổi người Huế cho biết: “Hiện nay, thợ nề Huế ở Hà Tĩnh có khoảng 300 người. Từ chỗ học nghề, có các mối quan hệ, tôi bắt đầu gom thợ nhận thầu nhà dân. Tốp thợ của tôi có 10 người, công việc ổn định với thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng đã bao ăn ở”.
Mặc dù chiếm số lượng khiêm tốn nhất trong các nghề nhưng những người làm thợ kim hoàn, thợ may… vẫn tạo dựng được nét đặc sắc riêng của người Huế. Một trong những người thành công nhất có thể kể đến là anh Đặng Văn Việt - chủ Doanh nghiệp tư nhân tiệm vàng Việt Hà.
DNTN Tiệm vàng Việt Hà đã xây dựng được thương hiệu tại Hà Tĩnh
Lập nghiệp tại Hà Tĩnh từ những năm 90 của thế kỷ trước, ban đầu, vợ chồng anh chỉ đủ vốn để mở một quầy kinh doanh, gia công hàng mỹ ký. Dù vậy, sản phẩm do anh gia công vẫn thu hút một lượng lớn khách hàng, bởi sự tinh tế, chất lượng. Sau gần 20 năm miệt mài, gắn bó với nghề, hiện nay, gia đình anh đã sở hữu một doanh nghiệp chuyên kinh doanh, sản xuất vàng bạc, đá quý uy tín.
Anh Việt cho biết: “Như một cơ duyên, ban đầu, ra Hà Tĩnh với mục đích mưu sinh, không ngờ, mảnh đất này đã níu giữ chúng tôi đến tận bây giờ và ưu đãi cho tôi quá nhiều. Chúng tôi cũng quyết định sẽ định cư ở đây lâu dài”.
Mỗi một lao động người Huế là một nét vẽ, mang nhiều sắc màu khác nhau tạo nên một bức tranh đặc sắc về nét Huế giữa lòng Hà Tĩnh. Để mỗi buổi mai thức dậy hay mỗi khi màn đêm buông xuống, chúng ta càng yêu mến hơn những con người chân chất, khéo léo, hiền hòa, chịu thương chịu khó của người lao động đất cố đô.