Ngày cuối tuần tháng 7, trong khung cảnh xanh tươi, yên bình, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón hàng ngàn lượt người tìm về. Từ sáng sớm, từng đoàn người đủ mọi thành phần, lứa tuổi lặng lẽ đi qua những hàng cây, những chứng tích chiến tranh vẫn còn in đậm dấu ấn một thời hoa lửa. Họ đến để dâng hương, để chiêm nghiệm, để khắc ghi những hy sinh lớn lao của những người con đất Việt.
Ông Trần Văn Kháng (SN 1946, phường Nam Hồng Lĩnh), nguyên là công nhân Phòng Giao thông Can Lộc giai đoạn 1967–1975, xúc động kể lại: “Lúc đó, tôi phụ trách tuyến quốc lộ 1, đoạn từ cầu Hạ Vàng vào Bắc cầu Già.
Năm 1968, có dịp được tăng cường lên Ngã ba Đồng Lộc một thời gian, nên có quen biết o Võ Thị Tần và một số o trong Tiểu đội 4, Đại đội 552 TNXP. Trước ngày định mệnh 24/7, khi o Tần vừa về thăm nhà trở lại đơn vị, chúng tôi còn gặp và chào nhau ở cầu Hạ Vàng. Vậy mà chỉ hôm sau, nghe tin o cùng đồng đội hy sinh, tôi và anh em trong tổ không ai cầm được nước mắt”.
Trở lại nơi xưa, lần này, ông Kháng đưa theo hai cháu ngoại (con gái ông đi lấy chồng và lập nghiệp ở TP Cần Thơ) về thăm quê và đặc biệt là đến thăm Ngã ba Đồng Lộc. Ông muốn các cháu hiểu về cội nguồn, về sự hy sinh không thể đo đếm của thế hệ đi trước.
“Từ nhỏ, mẹ em đã kể về quê hương, về ông ngoại, về những câu chuyện cảm động ở Ngã ba Đồng Lộc. Nay được tận mắt chứng kiến, tận tay thắp nén hương tri ân, em càng thấm thía hơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ”- em Nguyễn Trần Hùng Dũng (TP Cần Thơ) chia sẻ.
Tình cảm ấy cũng hiện rõ trong ánh mắt, giọng nói của chị Hà Thanh Hiền, cán bộ Bệnh viện C Thái Nguyên. Sau khi cùng đoàn dâng hương ở Nhà tưởng niệm Liệt sỹ TNXP toàn quốc, chị lặng người khi đứng trước khu mộ 10 nữ anh hùng.
“Khi đọc bức thư gửi mẹ của liệt sỹ Võ Thị Tần, tôi và nhiều chị em trong đoàn không cầm được nước mắt. Bức thư chan chứa yêu thương của người con gái bé nhỏ dành cho mẹ nhưng cũng đầy quyết tâm chiến đấu trước kẻ thù, như tiếng gọi thầm từ sâu thẳm quá khứ vọng về. Tôi bỗng thấy mình thật nhỏ bé, thấy thế hệ chúng tôi hôm nay phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh lớn lao ấy”.
Với sinh viên Phạm Thị Thu Uyên (K45A – Khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Nghệ An), chuyến hành hương về Đồng Lộc là hành trình đặc biệt mang theo nhiều cảm xúc.
“Em sinh ra ở vùng núi Nghệ An, từ nhỏ đã nghe mẹ kể chuyện về 10 cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Khi nhà trường tổ chức chuyến thăm, em rất háo hức. Đến đây, em mới thật sự cảm nhận được tầm vóc và giá trị của sự hy sinh. Những gì thế hệ cha anh đã đánh đổi không chỉ để lấy hòa bình mà còn gieo vào lòng người trẻ niềm tin và trách nhiệm”.
Theo thống kê từ Ban Quản lý Khu di tích, riêng trong ngày 11/7, đã có 272 đoàn với hơn 4.000 lượt khách đến dâng hương và tham quan tại Ngã ba Đồng Lộc. Từ đầu tháng 7 đến nay, con số này đã lên tới gần 36.000 lượt người. Dòng người đổ về từ mọi miền đất nước, từ Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ…, chất chứa trong những lẵng hoa, nén hương là tấm lòng biết ơn sâu sắc.
Ông Đặng Quốc Vũ – Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng cho biết: “Tháng 7 là cao điểm đón khách nên chúng tôi tập trung toàn bộ lực lượng để phục vụ tốt nhất. Từ cuối tháng 6, công tác chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường, kiểm soát an ninh trật tự, bố trí hướng dẫn viên, xây dựng các điểm check-in và khu vực trưng bày hiện vật đã được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng truyền thông đa nền tảng để lan tỏa giá trị lịch sử tới giới trẻ”.
Bên cạnh việc tiếp đón khách, Ban Quản lý còn phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức đội hình tình nguyện túc trực hằng ngày nhằm hỗ trợ du khách, nhất là trong hướng dẫn tham quan, chia sẻ tư liệu, tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống. Những người trẻ trong chiếc áo xanh tình nguyện không chỉ là cầu nối giúp lan tỏa câu chuyện của Ngã ba Đồng Lộc mà chính họ cũng đang được “thắp lửa” từ ký ức thiêng liêng của dân tộc.
Trong lời thuyết minh xúc động bên bia tưởng niệm, trong bước chân trầm lặng của người cựu binh, thanh niên xung phong năm xưa, trong ánh mắt lấp lánh xúc động của những em nhỏ lần đầu đặt chân đến Ngã ba Đồng Lộc… tất cả trở thành mạch nguồn không bao giờ cạn của lòng biết ơn, của niềm tin yêu và trách nhiệm với Tổ quốc.
Tháng Bảy – mùa tri ân, xin được cúi đầu trước những người đã nằm lại nơi này – những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đã hóa thân vào đất mẹ, để cho thế hệ hôm nay được sống, được học hành, được mơ ước. Dù thời gian có qua đi, dù thế hệ có đổi thay, thì Ngã ba Đồng Lộc vẫn mãi là biểu tượng bất diệt trong trái tim những người con đất Việt.