Tập đoàn năng lượng Gazprom cho biết đường ống đi qua Ukraine đóng lại từ 8h sáng Moskva. Trước đó, Kiev nhiều lần tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận trong bối cảnh xung đột.
"Do phía Ukraine liên tục từ chối gia hạn các thỏa thuận này một cách rõ ràng, Gazprom đã bị tước mất khả năng kỹ thuật và pháp lý để cung cấp khí đốt quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine kể từ ngày 1/1/2025", Gazprom cho biết.
Đường ống quá cảnh dừng hoạt động sẽ khiến Ukraine mất khoảng một tỷ euro phí quá cảnh hàng năm còn Gazprom thất thu 5 tỷ euro. Hiện Nga vẫn còn xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua đường ống TurkStream trên Biển Đen.
Nga vận chuyển khí đốt đến châu Âu thông qua Ukraine từ năm 1991. Ở thời kỳ đỉnh cao, Moscow cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt cho khu vực này.
Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Theo số liệu Brussels công bố, khí đốt Nga chỉ còn chiếm khoảng 8% tổng lượng nhập khẩu của khối vào năm 2023, giảm mạnh so với hơn 40% hồi 2021.
EU đã chuyển sang các nguồn cung thay thế từ Qatar và Mỹ. Nỗ lực này khiến Gazprom ghi nhận khoản lỗ lên tới 7 tỷ USD (6,73 tỷ euro) vào 2022, lần đầu tiên sau hơn 25 năm.
Tuy nhiên, vài thành viên EU ở phía đông vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung Nga. Austria và Slovakia vẫn chi tổng cộng khoảng 5 tỷ euro để mua. Một số quốc gia châu Âu khác ngoài EU như Moldova đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn khi đường ống qua Ukraine dừng hoạt động.
Dù đã chuẩn bị và nỗ lực thay thế khí đốt Nga, châu Âu vẫn đang cảm nhận rõ rệt tác động. Giá năng lượng tăng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh công nghiệp của lục địa này so với Mỹ và Trung Quốc.
Ủy ban châu Âu tháng trước công bố kế hoạch hỗ trợ các nước thành viên thay thế hoàn toàn khí đốt Nga. Họ đề xuất các phương án như sử dụng nguồn cung từ Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Romania thông qua tuyến đường xuyên Balkan.
Khí đốt Na Uy cũng được xem là lựa chọn khả thi, với khả năng vận chuyển qua Ba Lan, trong khi Đức có thể hỗ trợ phân phối khí đốt ở trung tâm châu Âu. Tuy nhiên, kế hoạch này đối mặt với thách thức lớn về đầu tư mới cơ sở hạ tầng.
Theo Reuters, AP