Nga đe dọa trả đũa
Nga bắt đầu tăng cường những lời lẽ gay gắt trong cuộc khẩu chiến với Mỹ chỉ ít ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống hai nước tại Đức. Ngày 11/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong chuyến thăm Áo đã tuyên bố Nga đang cân nhắc các biện pháp trả đũa việc Mỹ phong tỏa các cơ sở ngoại giao của Nga và trục xuất các nhân viên ngoại giao.
Ông Lavrov cho rằng "đối với một quốc gia lớn như Mỹ, một nước tán thành luật pháp quốc tế, thật đáng hổ thẹn khi để tình hình ‘lơ lửng’ như vậy. Chúng tôi đang suy nghĩ về các biện pháp cụ thể”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov |
Tại cuộc họp báo sau đó ở Brussels với Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) bà Federica Mogherini, ông Lavrov đã đề cập đến “các biện pháp trả đũa” nhưng từ chối trả lời liệu Nga có trục xuất nhân viên ngoại giao Mỹ hay phong tỏa tài sản ngoại giao Mỹ ở Nga hay không. Ông Lavrov kêu gọi Washington quan tâm tới đề nghị trả lại các tài sản ngoại giao của Nga.
Ông nói: “Nếu điều này không xảy ra, nếu chúng tôi nhận thấy bước đi này không được Washington coi là điều cần thiết, thì khi đó tất nhiên chúng tôi sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa. Đây là luật lệ ngoại giao, luật lệ của các vấn đề quốc tế, sự nhân nhượng lẫn nhau là cơ sở của mọi quan hệ”.
Dẫn lời một nguồn tin ngoại giao, nhật báo Izvestia của Nga cho biết nước này đang cân nhắc việc trục xuất khoảng 30 nhà ngoại giao Mỹ và lấy lại 2 cơ sở ngoại giao của Mỹ ở Moscow và St Petersburg.
Tháng 12/2016, Mỹ đã phong tỏa 2 cơ sở ngoại giao của Nga và Tổng thống Mỹ khi đó, ông Barack Obama, đã ra lệnh trục xuất 35 nhân viên ngoại giao Nga với cáo buộc liên quan đến vụ tấn công mạng nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Một tài sản ngoại giao của Nga ở Maryland bị Mỹ tịch biên năm 2016 |
Moscow đã phủ nhận các cáo buộc này và nói rằng họ sẽ chờ đợi để xem liệu quan hệ hai nước có được cải thiện dưới thời Tổng thống Donald Trump hay không. Ngày 11/7, tờ Izvestia đưa tin Chính phủ Nga rất thất vọng bởi cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với ông Trump tại Hamburg (Đức) tuần trước đã không thể giải quyết mâu thuẫn ngoại giao.
Các cuộc thảo luận giữa 2 bên đã kéo dài hơn giới hạn thời gian ban đầu, tập trung vào các nội dung từ an ninh mạng tới các cuộc xung đột ở Syria và Ukraine. Ngay sau đó, ông Trump đã miêu tả các cuộc thảo luận đó diễn ra “rất tốt đẹp”. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters hôm 11/7 rằng ông được biết vấn đề phong tỏa không được đưa ra trong cuộc gặp Putin-Trump.
Ông Lavrov nói rằng Nga hiểu rõ tác động của “khuynh hướng chống Nga đang tiếp diễn trong Quốc hội Mỹ” mà giờ đây chính quyền Trump đã tiếp nối.
Ông nói: “Chúng tôi thừa nhận rằng quyết định trục xuất các nhà ngoại giao và phong tỏa tài sản ngoại giao Nga được thực hiện bởi chính quyền của cựu Tổng thống Obama”. Chính quyền mãn nhiệm có mục đích “hủy hoại đến mức tối đa quan hệ Mỹ-Nga” và tạo ra “cái bẫy” cho ông Trump.
Về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, gần 6 tháng sau khi nhậm chức, ông đã lần đầu tiên gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong suốt hơn 2 giờ đồng hồ hôm 7/7 vừa qua. Nhà lãnh đạo Mỹ đã hỏi thẳng ông Putin rằng có phải Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ hay không. Và theo như lời ông Putin cho biết tại cuộc họp báo ngày 8/7, ông Trump đã hỏi một loạt câu hỏi xung quanh chủ đề này.
Thế nhưng, những thông tin mà Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov đưa ra về vấn đề này lại khác với lời đánh giá của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về cuộc gặp giữa hai lãnh đạo.
|
Tổng thống Nga và Mỹ gặp nhau tại Humburg, Đức hôm 7/7 |
Giới phân tích Mỹ cho rằng những ai lo sợ rằng ông Trump sẽ bị thất thế trước ông Putin dày dạn kinh nghiệm hơn có thể an tâm rằng Nga chẳng nhận được gì và không hề có một nhượng bộ nào được đưa ra.
Nhiều bất đồng sâu sắc giữa Washington và Moscow vẫn sẽ khó giải quyết, bao gồm các vấn đề Syria, Ukraine, Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (IFN), việc Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa, Triều Tiên, an ninh mạng, an ninh châu Âu và hàng loạt thách thức khác.
Còn tờ National Interest đánh giá, đối với Tổng thống Trump, cuộc gặp này là một cơ hội để đẩy mạnh ít nhất là 2 trong số những mục tiêu tranh cử và những cam kết hậu bầu cử của ông. Ông Trump từng cam kết cải thiện quan hệ với Nga và đã đề cập tới tầm quan trọng của quan hệ phối hợp giữa Mỹ và Nga trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở Syria cũng như đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu.
Với thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, ông Trump đã đạt được một điều gì đó dù khiêm tốn nhưng vẫn rõ ràng. Từng ca ngợi ông Putin là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và làm việc hiệu quả trong chiến dịch tranh cử của mình cũng như đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ những người phản đối điều này, giờ đây, ông Trump có thể khẳng định chiến thắng khi đã gây áp lực lên ông Putin trên nhiều vấn đề mâu thuẫn, từ tấn công mạng cho tới vấn đề Ukraine.
|
Khó có đột phá trong quan hệ Nga-Mỹ bất chấp những tuyên bố đầy kỳ vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Đối với Tổng thống Putin, cuộc gặp 2 tiếng với người đồng cấp Mỹ cho phép ông thể hiện những kỹ năng của mình như một nhà đàm phán, củng cố quan điểm lâu đời của Nga về các vấn đề tấn công mạng, Syria, Ukraine, nhưng cũng làm thất bại chính sách "cô lập" của chính quyền Mỹ tiền nhiệm đối với Nga.
Theo National Interest, một sự cải thiện nhanh chóng mối quan hệ vốn đã có nhiều bất đồng giữa Mỹ-Nga là điều không thể nói trước. Nga không có lý do gì để nhượng bộ trong các cuộc đối thoại về tấn công mạng, Syria, hay Ukraine. Trong khi đó, Nhà Trắng dưới sức ép của Quốc hội Mỹ cũng sẽ không nhân nhượng.
Viễn cảnh tốt đẹp nhất có lẽ là đối thoại sẽ giúp giàn xếp và ngăn chặn leo thang quân sự không mong muốn giữa Nga với Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ tại Syria hoặc tại khu vực Baltic. Việc "bình thường hóa" vẫn bị cản trở bởi những lợi ích xung đột sâu sắc, chính trị nội bộ và sự không tin tưởng lẫn nhau giữa 2 bên.